Bộ đồ nó đang chỉ là bộ mà Thấm ghét nhất. Bà Tư có vẻ ngạc nhiên, ngó sững nó một cái rồi cúi xuống lấy bộ đồ theo yêu cầu của nó. Nhìn theo thằng cháu nội đi vào nhà tắm với dáng đi hơi rụt rè, bà Tư lẩm bẩm:
- Cái thằng!... Mới đi hơn hai tháng mà trở về coi bộ 1ạ lẫm với nhà này dữ a!
Bà ra nhà trước, kéo ghế ngồi cạnh ông Tư:
- Ông coi, thằng nhỏ sống khổ sở ra sao hổng biết mà ốm vậy hở trời? Tội nghiệp cho cháu nội tôi quá, ông bà ở nhà thì đầy đủ sung sướng, nó còn bé thế mà đã một mình lưu lạc, khốn khổ làm sao!
Vừa than thở, bà Tư vừa sụt sịt khóc. Ông Tư mắng:
- Nó đi mất cũng khóc, giờ nó về cũng khóc là sao đây?
Bà Tư liếc khẽ ông một cái nhưng cũng kéo tay áo lên chậm hai bên khóe mắt. Chập sau thằng Thẩm tắm xong, nó mặc bộ đồ này tuy coi giản dị nhưng cũng vừa vặn, đẹp mắt lắm, vậy mà hổng biết sao lâu nay không hề thấy thằng Thẩm đụng vô. Nay bỗng dưng nó đổi gu hồi nào cả hai vợ chồng ông Tư cũng không biết được! Vừa thấy thằng Thẩm đi ra, bà Tư lật đật tới bên vuốt ve nó:
- Trời ơi, thằng cháu vàng ngọc của tui... Mới đây mà nó ốm chừng này rồi!
Rồi bà vội vàng kéo tay nó:
- Đi, đi theo nội xuống bếp, nội dọn cơm cho con ăn! Hôm nay có món cá kho măng mà con thích nhất nữa nè!
Thằng Thẩm lừng khừng đi theo bà Tư. Ông Tư nhìn theo hơi ngạc nhiên tự hỏi:
- Cái thằng thiệt lạ! Nó đi đâu mất một thời gian, giờ trở về nhà sao giống như người xa lạ cứ lơ ngơ làm sao ấy!
Trong khi đó ở dưới bếp bà Tư lúi húi nhóm lửa hâm lại thức ăn cho thằng Thẩm. Mùi cá kho mặng tỏa ra ngào ngạt, thằng Thẩm bất giác quay mặt đi lấy tay bịt mũi. Nó và mấy miếng cơm rồi gắp ít cọng rau muống luộc, ngập ngừng một chút rồi cứ thế mà ăn, không chấm vào dĩa nước cá giống như thói quen trước nay của nó. Bà Tư xăng xái dẻ một miếng nạc cá thiệt to bỏ vào chén cho Thẩm, thúc giục:
- Ăn đi con! Cá tươi ngon lắm đó, nội mới mua hồi chiều! Con biết không, lần nào ăn món này ông bà nội đều nhớ tới con rồi khóc ròng, có ăn uống gì nổi nữa đâu... Con ăn nhanh lên, ăn cho no vào rồi lên nhà trên kể đầu đuôi sự việc cho ông bà nghe đi!
- Dạ!
Thằng Thẩm lúng búng trong miệng.
Nó ăn không được ngon miệng và nhất định không đụng tới miếng cá nào. Bà Tư rất đỗi ngạc nhiên:
- Ủa, sao vậy Thẩm? Sao hôm nay con không ăn cá? Nội làm mặn quá hay sao vậy con?
- Dạ không!... Tại... tại lâu quá không ăn món này, giờ ăn lại con thấy tanh tanh... Thẩm nói nhỏ.
Bà Tư gật gù:
- Ừ cũng đúng! Mà lâu nay con ở đâu vậy Thẩm? Sao con lại mất tích trong ngày hôm đó? Bà Tư mới hỏi được câu đó thì đã nghe tiếng ông Tư:
- Nó ăn rồi thì hai bà cháu lên đây mà nói chuyện, ngồi chi dưới bếp?
Bà Tư vội vội vàng vàng thu dọn chén bát rồi dắt tay thằng cháu nội đi lên nhà trên.
Trước đây, những buổi tối thế này, ông Tư thường ngồi nhâm nhi mấy tách trà, bà Tư với cô Hiên nằm nghe ca nhạc cải lương từ chiếc radio cũ mèm nhưng âm thanh phát ra vẫn còn chất lượng lắm. Thằng Thẩm thì láu táu, khi trèo tót lên rót trà bắt chước ông nội uống từng hớp một, khi nhào xuống nằm chen vào giữa bà nội và cô, bắt bà nội gãi lưng hoặc mằn trứng chí. Mới vắng nhà hơn hai tháng, nhưng hôm nay nó dường như thay đổi hẳn. Nó chững chạc hơn nhiều, không còn láu táu trẻ con như trước nữa.
Nó nhắc ghế lùi ra một chút rồi ngồi xuống với vẻ khép nép, e dè. Ông Tư hớp một ngụm trà rồi lên tiếng:
- Bây giờ con kể cho ông bà nội nghe đi. Mấy tháng nay con đi đâu? Làm gì? Tại sao con lại để ông bà lo lắng kiếm tìm con vất vả biết bao nhiêu mà kể? Bà Tư ngồi nhích lại gần thằng Thẩm, đặt tay mình lên tay nó như muốn trấn an:
- Con cứ kể hết đi, ông nội đã hứa không đánh con roi nào đâu, con đừng sợ!
Thẩm nhìn bà Tư trìu mến:
- Dạ... con xin kể! Hôm bữa đó... lúc đám tang cô út, con sợ ông nội đánh đòn nên bỏ chạy trốn. Con chạy hoài, chạy hoài, cuối cùng ra tới bờ sông. Mệt quá, con thấy chiếc thuyền ai đậu gần đó nên trèo lên lăn ra nằm ngủ. Chủ thuyền về lúc nào con không hay, mà người do cũng không biết có con trên thuyền. Vậy là ông ta chở con đi luôn. Đến sáng hôm sau con mới thức dậy, thì đã ở một nơi hoàn toàn xa lạ rồi! Con khóc lóc đòi về, ông chủ thuyền chừng đó mới biết đã chở con theo, ông nói ông không thể đưa con trở lại được, vì ông còn công việc phải làm cho kịp. Vì vậy ổng đem con lên gởi vào một ngôi chùa gần ngay đó, dặn với nhà chùa rằng nếu có đò thuyền nào xuôi về bến ấy thì gởi giúp con về. Thế là con ở luôn trong chùa cho tới nay, sư cụ biết có thuyền về nên đem con xuống bến gởi về đây.
Ông Tư thở phào nhẹ nhõm. Vì dù sao nó được ở trong chùa ông cũng yên tâm hơn là lâu nay nó lăn lóc ngoài đầu đường xó chợ. Bà Tư mủi lòng sụt sịt khóc:
- Tội cho thằng nhỏ, mới tí tuổi đầu mà phải lạc loài nương thân nhờ cửa phật... Nó ăn chay, sức đang tuổi lớn mà ăn uống thiếu chất bổ dưỡng, hèn chi nước da tái mét, xanh chành! Thôi mọi việc đã qua hết rồi con, ngày mai nội mần thịt con gà hầm thuốc Bắc để tẩm bổ cho con, chỉ vài ba ngày con sẽ lấy lại sức khỏe thôi:
Ông Tư gật gù:
- Ừ, bà lo bồi bổ cho nó. Rồi thư thư công việc thì tui với bà, dắt theo thằng Thẩm tìm tới ngôi chùa đó để đa tạ người ta, dù sao người ta cũng có công nuôi dưỡng và dạy dỗ con cháu mình trong mấy tháng.
Bà Tư tán thành:
- Ừ ông nói đúng đó!
Rồi như chợt nhớ, bà reo lên:
- Mà công nhận chùa đó dạy thằng nhỏ hay thiệt hả ông? Từ lúc nó về tới giờ tui thấy nó tề chỉnh y như người lớn vậy đó, đâu còn cái vẻ trẻ con như lúc trước? Họ có cho con học hành kinh kệ gì không con?
Mắt Thẩm sáng lên:
- Dạ có chứ nội, con thuộc nhiều kinh lắm! Nếu nội thích, tối tối con đọc cho nội nghe!
Bà Tư vui mừng:
- Ừ, vậy là tốt quá rồi còn gì!
Ông Tư hỏi thêm:
- Ở chùa đó, ngoài việc học kinh kệ ra, con còn phải làm gì nữa không con?
Thẩm đưa mắt nhìn chăm chăm vào ngọn đèn để trên bàn: - Dạ... không, không làm gì nữa ạ! Hai vợ chồng ông Tư mừng còn hơn trúng số độc đắc khi gặp lại thằng cháu nội, nên cả hai thay nhau hỏi nó đủ thứ chuyện đã xảy ra với nó từ ngày xa cách ngôi nhà quen thuộc. Nhưng có lẽ thằng Thẩm mệt nên nó chỉ trả lời nhát gừng, không có vẻ hăng say. Mãi đến khi chiếc đồng hồ to tướng treo trên tường gõ boong boong đúng mười một tiếng, ông Tư vươn vai ngáp dài:
- Thôi, hai bà cháu vô ngủ đi, thằng Thẩm coi bộ mệt đừ rồi kìa! Có gì ngày mai nói tiếp. Giờ tui cũng đi ngủ đây!
Bà Tư đứng lên, dắt tay Thẩm vào buồng.
- Chui vô mùng đi con! Thấy Thẩm đứng lừng khừng giữa nhà, bà Tư giục.
Thẩm chậm chạp vén mùng chui vô, rồi chờ bà Tư vô xong, nó bắt đầu lom khom người xổm ém mí mùng xuống chiếu. Nó làm việc chậm chạp và tỉ mỉ khiến bà Tư ngạc nhiên quá đỗi:
- Con giỏi từ hồi nào vậy Thẩm?
Mới cách đây không lâu, tối tối hễ vô ngủ là nó nhảy phốc lên giường, nhiều khi còn làm đứt phăng cả mấy đầu mùng làm bà Tư cằn nhằn cử nhử. Không ai tấn mùng thì thôi, nó cũng mặc kệ cứ để vậy mà ngủ bừa, có đâu như hôm nay, làm việc đó rất chi là cẩn thận. Thẩm tấn mùng xong nhẹ nhàng nằm xuống bên bà nội. Bà Tư kéo Thẩm sát vào lòng, xuýt xoa:
- Coi tay cháu kìa, lạnh ngắt như mới đi ngoài mưa vào vậy đó! Này, ủ trong tay nội cho ấm lên đi con!
Thằng Thẩm khẽ rút tay lại:
- Dạ… không sao đâu nội, nội ngủ đi!
Nói xong, nó nằm dịch ra một chút rồi quay mặt vào tường làm ra vẻ đang buồn ngủ lắm.
Bà Tư rất muốn ôm chặt nó vào lòng, nhưng thấy nó tỏ thái độ vậy nên bà đành thôi, nằm im nhìn vào lưng nó.
Nỗi vui mừng xúc động của bà Tư đã lắng xuống, và bà bắt đầu nhận ra những dấu hiệu là lạ nơi thằng cháu thân yêu.
Bà Tư thắc mắc, không biết thời gian nó sống ở chùa, nó đã được học hành dạy dỗ ra sao mà bây giờ nó trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép nhưng gần như nó không còn là nó nữa.
Nhịp thớ của thằng Thẩm bắt đầu trở nên đều đều. Bà Tư biết nó đã ngủ, bà nhẹ nhàng ngồi lên ngắm nhìn khuôn mặt nó. Hai gò má bầu bĩnh bây giờ tuy có hơi gầy đi nhưng vẫn phảng phất vẻ phúng phính trẻ con.
Bà Tư muốn đặt lên đó một nụ hôn nhưng bà sợ làm cháu thức giấc.
Bà cứ ngồi ngắm nhìn thằng Thẩm say mê, thỉnh thoảng bà lại sờ nhẹ lên đôi tay giá lạnh như băng của nó. Tiếng gà eo óc gáy xa xa khiến bà Tư giật mình. Trời gần sáng rồi, mình phải ngủ một chút chứ. Bà Tư thầm nghĩ thế.
Ở phòng kế bên ông Tư cũng đang ngon giấc. Bỗng nhiên ông Tư giật mình vì nghe có tiếng chân rón rén. Ông là người rất nhạy với bất kỳ thứ tiếng động nào trong đêm. Lắng tai nghe, ông cảm thấy dường như bước chân khe khẽ đó đang tiến về chỗ đặt bàn thờ đứa con gái xấu số của ông. Rồi ơng ngửi thấy mùi nhang thơm thơm lan tỏa khắp nhà. Ôi, thật tội nghiệp cho thằng cháu! Từ lúc nó về, hai ông bà cứ hết hỏi han này nọ lại tới ép nó ăn thứ này thứ khác, không ai nhắc nó tới thắp nhang trước bàn thờ cô út nó vì sợ khơi dậy trong nó mặc cảm vì đã làm chết cô Hiên. Cái thằng này lớn thiệt rồi! Nó đã biết nghĩ tới cô nó, đêm hôm khuya khoắt vầy mà không chịu ngủ, còn ra nhang đèn khấn vái gì đây. Ông Tư vừa toan cất tiếng gọi thằng Thẩm vô ngủ thì ông nhận thấy có tiếng khóc ri rỉ phát ra từ chỗ đó.
- Chẳng lẽ nó khóc cô nó sao?
Ông Tư ngồi dậy, vừa quơ chân xuống đất tìm dép, mà tai vẫn vừa lắng nghe tiếng khóc bên ngoài. Bỗng đâu một giọng hát du dương cất lên làm ông rợn da gà: “Em buồn cắt tóc đi tu Nợ trần chưa dứt phù du tìm về...” Ông Tư thôi không tìm dép nữa, ông nhón chân đi thật khẽ ra ngoài. Trên bàn thờ cô Hiên quả có mấy nén nhang vừa mới thắp nhưng không có một người nào ở đó. Ông Tư quá đỗi ngạc nhiên, rõ ràng vừa nãy ông còn nghe tiếng hát, bây giờ người hát biến đi đâu? Cửa nhà vẫn đóng kín, mà ông đang đứng chắn lối ra duy nhất để xuống nhà sau hoặc vô buồng ngủ của bà Tư. Vậy người đó biến đi đằng nào? Người đó là ai? Chắc chắn không phải thằng Thẩm rồi!
Ban đầu khi nghe tiếng chân và nghe mùi khói nhang, ông Tư cứ đinh ninh là thằng Thẩm thức dậy thắp nhang cầu nguyện cô nó, nhưng khi nghe tiếng hát, ông đã khẳng định không phải thằng Thẩm cháu ông! Đó là tiếng hát của một người con gái! Thế người đó là ai? Ông Tư dụi mắt mấy lần liên tiếp rồi đứng ngó dáo dác xung quanh. Khi đã chắc chắn không có ai, ông vội đi tới bàn thờ, vặn cao ngọn đèn lên rồi bưng đi soi khắp nhà. Cửa nẻo vẫn vẹn nguyên đâu có ai mở chốt. Mọi thứ trong nhà đều không có gì khác lạ. Ông cầm đèn đi vô phòng bà Tư. Hai bà cháu đều đang ngủ say, tiếng thở đều đều của thằng bé, tiếng ngáy nhè nhẹ của bà Tư khiến ông vừa an tâm vừa thắc mắc.
Đi một vòng quanh nhà, ông Tư trở lên nhà trên lấy bình thủy nước đổ ra pha trà ngồi uống tiếp.
Hơn năm giờ sáng, bà Tư giật mình thức dậy, lê dép lệt sệt ra nhà ngoài, nói với ông bằng giọng ngái ngủ:
- Sáng rồi hả ông?
Ông Tư hờ hững đáp:
- Ừ bà lo nấu cái gì đó cho thằng Thẩm ăn đi!
- Thằng nhỏ tội lắm ông à, tối ngủ rất say, chắc nó mệt mỏi lắm! Để tui chạy ra chợ mua ít thức ăn...
Bà Tư vừa bới lại đầu tóc vừa nói với chồng. Ông Tư nhìn bà, đắn đo:
- Bà nè!...
- Chi vậy ông?
Bà Tư dừng tay lượt, hỏi chồng.
- Tối qua bà có nghe gì trong nhà mình không? Bà Tư ngạc nhiên:
- Nghe gì là gì hả ông? Tui thức khuya lắm, chừng gà gáy lần thứ nhất tui ngủ một giấc tới sáng luôn, có nghe gì đâu? Mà chuyện gì vậy ông?
Ông Tư thở hắt ra:
- Mà thôi đi, chắc do tui mớ ngủ!
- Mà là chuyện gì mới được chứ?
Bà Tư tò mò.
Ông Tư hạ giọng:
- Tui đang ngủ thì nghe có chân đi nhè nhẹ rồi có mùi khói nhang bay lên, tui cứ ngỡ thằng Thẩm dậy thắp nhang cho cô Út nó. Nhưng một lát sau tôi bỗng nghe có tiếng con gái hát lên mấy câu ai oán lắm. Mặc dù sợ, nhưng tui cũng cố lén ra xem là ai, nhưng hoàn toàn không có bóng người nào, chỉ có mấy cây nhang trên bàn thờ con Hiên là vẫn còn cháy.
Bà Tư cười cười:
- Ông ngủ mê quá rồi chiêm bao đó thôi! Ai mà đêm hôm khuya khoắt còn hát hò...
Ông Tư chau mày:
- Tui cũng không biết sao nữa bà ơi! Rõ ràng khi tui ra đây nhang vẫn còn cháy và tui ngồi luôn ở đây từ lúc đó đến giờ!
Bà Tư bước tới sát bên bàn thờ, nhìn vào cái lư hương đầy chân nhang, khẽ nói:
- Ông ơi, ông mớ ngủ thật rồi đó! Ở đây toàn chân nhang cũ, có thấy cây nào mới đâu?
Ông Tư ậm ờ:
- Chắc vậy quá! Thôi, bà đi chợ cho sớm đi! Bà Tư liếc chồng:
- Sao tự nhiên ông lại mơ nghe thấy tiếng con gái hát vậy ta? Mà nó hát hò những gì ông còn nhớ không?
- “Nó hát vầy, tui nhớ rõ lắm:
Hai câu này tui chưa từng nghe bao giờ trước đó nên mới lấy làm lạ vậy chứ!”
Bà Tư nhìn chồng nghi ngại, bà nhủ thầm:
- Quái lạ cái ông này, sao tự nhiên lại mơ mộng ba cái chuyện thế được chứ? Ổng đâu còn trẻ trung gì nữa mà tơ vương cô gái nào? Thiệt mình hết biết sao mà nói...
- Thôi, bà đi đi!