Nghe cô gái kể về việc mình chào đời trên sông nước, ông Tân thoáng rùng mình, hỏi lại:
- Cô xin cô vui lòng cho tôi biết ngày sinh của cô, được không? Cô gái cười:
- Ngày sinh của tôi dễ nhớ lắm ông à, vì đó là ngày rằm tháng bảy! Cô gái vừa dứt lời, ông Tân cảm thấy chao đảo cả đất trời.
- Trời ơi, không lẽ... không lẽ đây chính là... Rõ ràng ngày rằm tháng bảy năm đó Lài cũng đã vĩnh viễn bỏ ông mà đi... Ngày rằm tháng bảy năm đó có một đứa bé được sinh ra, mà lại giống Lài đến thế kia!
Ông Tân run rẩy hỏi tiếp:
- Cô ơi, cô có nhớ cô đã chào đời trên khúc sông nào không?
Cô gái thấy thái độ khẩn trương của ông Tân nên cũng hơi lo ngại: - Có gì không ông? Tôi thấy... thấy hình như ông bị kích động lắm... - Không! Không... cô cho tôi biết đi, cô chào đời ở khúc sông nào? Ông Tân chồm lên lo lắng.
- Tôi... nghe ba tôi kể lại, mẹ tôi chuyển bụng khi đang chài lưới ở đoạn sông gần ngã năm Phụng Hiệp.
Cô gái trả lời.
Ông Tân thả người rớt phịch xuống ghế, hai tay ôm đầu rên rỉ nho nhỏ: - Lài ơi... đúng là em rồi phải không Lài? Cô gái hỏi:
- Ông có sao không ạ? Ông nói gì tôi nghe không rõ?
Ông Tân đau đớn ngước lên nhìn cô gái. Biết nói thế nào với cô ấy bây giờ, chẳng lẽ nói rằng cô chính là hiện thân của vị hôn thê ngày ấy của tôi? Nói thế thì khác nào mình là một thằng già không nên nết, lợi dụng sự giống nhau giữa hai người mà buông lời chọc ghẹo một cô gái chỉ đáng tuổi con mình? Còn nếu giấu nhẹm không nói ra thì cũng không được, ông không cam lòng, và trong chuyện này không đơn giản vậy đâu. Chắc chắn hồn Lài luôn muốn tìm gặp lại ông, cho nên bao nhiêu năm qua đều khiến cho cô gái này mơ mãi về ông để hình dáng, gương mặt ông in sâu đậm vào tâm trí cô ấy. Thì bây giờ đã gặp nhau rồi, đâu thể nào giữ hoài im lặng được.
Nhưng nói ra bằng cách nào đây? Không thể sỗ sàng được, người ta là con gái mới lớn lên, mình là một thằng đàn ông tóc đã phai màu, đâu dễ gì nói những chuyện gió trăng như vậy… Lài ơi, nếu đúng là em, hãy khiến xui cho tình cảm của mình ngày xưa dang dở nay có cơ may chắp lại, còn nếu không phải là em thì đành vậy Lài ơi...
- Ông ơi... ông bị làm sao vậy?
Cô gái lo âu hỏi. Ông Tân gượng cười:
- Không, không sao đâu! Tại tôi quá bất ngờ trước những điều trùng hợp kỳ lạ như thế này. À, lúc nãy cô có nói, việc cô chuyển về đây sinh sống cũng kỳ lạ, vậy cô có vui lòng kể cho tôi biết được không?
Cô gái nhoẻn miệng cười hồn nhiên:
- Có gì mà không được ạ! Từ sau ngày ngoại tôi mất, tôi cứ ốm đau bệnh hoạn mãi không làm gì ra trò ra trống. Mà đêm nào tôi cũng cứ thấy ông, rồi lại nghe văng vẳng bên tai tiếng người gọi tôi, chỉ cho tôi nơi lập nghiệp. Cuối cùng tôi quyết định thực hiện theo những điều huyền ảo đó, thử thời vận mình ra sao. Vì thật ra ở nơi quê cũ tôi cũng chẳng còn gì, có bỏ đi cũng không có gì trở ngại. Tôi thầm nghĩ thì coi như mình đi làm ăn xa, nếu ổn định được thì tốt còn không thì lại quay về chẳng có gì quan trọng. Thế là tôi đi, mới đến nơi còn lạ nước lạ cái và bất ngờ gặp ông, quả là... những điều hy hữu!
- Hiện nay cô sống ở đâu?
Ông Tân tỏ ra quan tâm:
- Tôi ở trọ trong một xóm lao động nghèo. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi ra chợ buôn bán, tôi cũng không biết những ngày sắp tới mình có sống ổn định được với cái nghề này không nữa?
Ông Tân xé một tờ giấy rồi viết vội lên đó mấy dòng, xong đưa cho cô gái:
- Đây là địa chỉ của tôi, nếu có gì cân xin cô hãy đến đó, cô đừng ngại ngần điều chi hết. Tôi nghĩ chắc hẳn giữa tôi với cô có một sự liên hệ huyền bí nào đó mà hiện nay chúng ta chưa giải đáp được. Thôi thì tôi xem cô như người thân trong nhà, tôi mong cô cũng xem tôi như thế. Giữa tôi và cô, xin đừng có sự khách khí nào... Tôi rất thật lòng, mong cô hiểu cho.
Ông Tân còn muốn nói chuyện nhiều hơn nữa với cô gái, nhưng ông biết, mới lần đầu tiên gặp mặt mà đã nói với nhau bao nhiêu chuyện thế là quá nhiều rồi, không nên gây cho cô gái cảm giác khó chịu nào nữa. Trước khi chia tay, ông hỏi:
- Xin lỗi, tôi tên Tân, cô vui lòng cho tôi được biết tên cô? Cô gái đứng lên mỉm cười:
- Cảm ơn ông, tên tôi là Loan.
Ông Tân nói khẽ:
- Cô Loan về nhé? Nhớ có gì cần cứ đến tìm tôi.
Loan không nói gì, chỉ mỉm cười và gật đầu chào ông Tân. Đứng trước cửa quán nước nhìn theo cái dáng nhỏ bé của Loan hòa vào dòng người hối hả, ông Tân nghe trong lòng mình dâng lên một tình cảm rất khó gọi tên... Lâu lắm rồi, từ dạo Lài mất ông Tân đã thôi không còn những cảm tình lãng mạn nữa. Ông cưới vợ, sinh con, sống với vợ con những ngày tháng đầm ấm hạnh phúc, nhưng chưa bao giờ trong lòng ông lại trào dâng lên một thứ tình cảm da diết như thế này. Những tình cảm của tuổi đôi mươi này tưởng đã chết hẳn từ ngày Lài bỏ ông đi, chiều nay bỗng dưng bừng sống lại, giống như Lài cũng bừng sống dậy chiều nay...
Đạp xe chầm chậm về nhà, ông Tân không buồn ra vườn tưới cây như mọi hôm. Ông cứ hết ngồi suy nghĩ thẫn thờ lại ngã mình trằn trọc trên bộ ván. Mãi đến khi trời tối mịt ông mới lò dò xuống bếp nấu cơm. Bữa ăn hôm nay ông ăn vội vàng cho qua chứ không cảm nhận được vị ngọt ngào của bát canh hay sự dẻo thơm của nồi cơm gạo mới... Tất cả tâm tư tình cảm ông đã dồn hết cho Loan, không đúng, mà là dồn hết cho Lài của ông mới đúng!
Từ hôm đó, chiều nào đi làm về ông Tân cũng ghé lại chỗ Loan, ngồi giúp cô làm cá, hoặc đôi khi chỉ hỏi thăm bâng quơ một đôi câu mà ông vẫn cảm thấy lòng phơi phới lắm. Loan thì vẫn vậy, với ông, cô cũng tỏ ra vui vẻ nhưng có chừng mực. Và chưa một lần cô tìm tới nhà ông dù đã nhiều lần ông Tân cố tình mời mọc.
Một buổi chiều do bận việc cơ quan, ông Tân về hơi trễ hơn thường ngày, khi đi gần tới chỗ Loan bán, ông trông thấy rất nhiều người xúm vào đó có vẻ như đang xảy ra chuyện không hay nào đó.
Bất giác ông Tân thấy lo lắng, ông vội vàng vứt chiếc xe xuống lề đường, chen lấn tiến vào trong, Loan đang nằm dài dưới đất, được mấy người phụ nữ đánh gió.
Mấy người buôn bán cạnh Loan đã quen mặt ông Tân, vừa thấy ông, họ mừng rỡ:
- Kìa, kìa... người thân của cô ấy đã đến rồi kìa! Ông Tân hấp tấp hỏi:
- Cô ấy bị sao vậy?
Một chị bán bên cạnh nhanh nhảu trả lời:
- Chắc là bị trúng gió, đang ngồi thì ngã ngửa ra không biết trời đất gì nữa hết.
Ông Tân nhanh nhẹn xốc Loan lên tay, bước ra đường vẫy một chiếc xích lô. Khi đã đặt Loan lên xe, ông quay lại dặn: - Cô trông chừng giúp đồ đạc của cô ấy!
- Ông yên tâm đi, tụi tôi sẽ giúp mà! Chị bạn nhanh miệng trả lời. Ông Tân lóc cóc đạp xe theo sau chiếc xích lô chở Loan về nhà ông.
Khi đã vào nhà, ông đặt cô lên ván rồi làm vài thao tác sơ cứu mà ông đã biết qua, xong đâu đấy, ông xuống bếp vo nồi cháo bắc lên. Trong khi ông Tân lúi húi nấu cháo dưới bếp thì nhà trên Loan đã dần dần hồi tỉnh. Cô mở mắt ra ngơ ngác ngó xung quanh, không thể xác định được tại sao mình lại nằm đây mà đây là ở đâu? Loan từ từ nhớ lại... Phải rồi, mình đang ngồi bán thì chợt cảm thấy choáng váng rồi không nhớ gì nữa hết. Hay đây là nhà của chị bạn bán kế bên? Không phải đâu, nghe chị kể gia cảnh cũng nghèo khổ lắm mà, đâu có được ngôi nhà to lớn như thế này?
Loan chống tay định nhổm dậy, nhưng đầu óc cô vẫn còn chao đảo lắm, cô phải bấu chặt tay vào thành ván mới có thể ngồi lên. Nhà ai mà vắng vẻ thế này? Loan vừa thắc mắc vừa lo sợ. Địa phương này Loan mới tới, chưa quen đường quen lối, lại chưa thân thiết với ai, nếu lỡ có chuyện gì không hay xảy ra cô biết phải làm sao đây? Bỗng Loan nghe có tiếng lục đục phát ra từ căn nhà phía sau, cô dò dẫm bước đi, vì lúc này ngoài trời đã tối mà trong nhà chỉ để một ngọn đèn không đủ sáng cả ngôi nhà to lớn.
Loan bất giác giật mình khi nhận ra người đàn ông hôm trước. Vừa đúng lúc ông Tân quay lại và bắt gặp cô đang sửng sốt nhìn mình. Ông Tân vội nói:
- Xin cô yên lòng! Lúc nãy đi làm về ngang qua đó, tình cờ tôi thấy cô trúng gió, tôi không biết phải làm sao, nếu đưa cô về nhà trọ của cô thì sẽ không ai chăm sóc. Vì vậy tôi mạo muội đánh liều đưa cô về thẳng nhà tôi, tôi xin thề tôi không có ý đồ gì không tốt!
Nhìn thấy dáng vẻ ông Tân và nghe ông nói liền một hơi, Loan chợt phì cười:
- Tôi... tôi cám ơn ông... Tôi không nghĩ ông có ý đồ gì, chỉ là... tôi ngại vì đã làm phiền ông mà thôi!
Ông Tân thở phào khi nghe Loan nói. Từ chiều giờ ông luôn lo lắng, sợ khi tỉnh dậy Loan sẽ có phản ứng mạnh, sẽ mắng chửi khi biết ông đưa cô về đây. Giờ thấy cô thế này, thật sự lòng ông Tân vui lắm. Ông nói đùa:
- Có gì đâu mà phiền! Thì cô cứ coi như tôi đền bù lại tội lỗi của mình.
- Tội lỗi của ông? Tội lỗi gì?
Loan ngơ ngác. Ông Tân bật cười:
- Thì cô đã nói hơn mười năm nay tôi luôn quấy rối giấc ngủ của cô, thì nay tôi xin được đền lại cho cô một phần rất nhỏ...
Loan cười:
- Ồ, thì ra ông nói chuyện đó! Mà lạ thiệt ông nhỉ? Tôi cứ suy nghĩ mãi mà không tài nào nghĩ ra giữa ông và tôi và người vợ hứa hôn năm xưa của ông có mối dây liên hệ nào? Ông Tân tiến đến kéo chiếc ghế ra ân cần bảo:
- Cô còn yếu lắm kìa, cô cứ ngồi xuống đây! Cháo cũng đã chín rồi, để tôi múc ra cho cô ăn nóng, ăn thật nóng, thật cay vào cho xuất mồ hôi, có như vậy mới giải cảm được. Cô cứ từ từ ăn, vừa ăn mình vừa nói chuyện.
Loan ngồi xuống ghế, ngoan ngoãn đón lấy chén cháo thơm lừng mùi hành tiêu và còn nghi ngút khói từ tay ông Tân. Cô chớp chớp mắt để nén dòng xúc cảm của mình. Lâu rồi, lâu lắm rồi, kể từ ngày bà ngoại già cả không còn đủ tỉnh táo và sức lực thì trên đời này chưa có ai lo lắng ân cần với cô như vậy. Ông Tân cũng kéo ghế ngồi đối diện với Loan, ông giục:
- Cô ăn đi cho nóng!
Loan ngập ngừng:
- Ông... ông không ăn cùng tôi sao? Ông Tân lắc đầu:
- Tôi có đau ốm gì đâu mà ăn cháo? Cơm tôi đang nấu, tí nữa sẽ ăn sau, cô cứ dùng tự nhiên đừng ngần ngại. Như đã có lần tôi nói với cô, mình hãy coi nhau như người trong nhà, như vậy sẽ tốt hơn cô ạ! Kìa, cô ăn đi chứ!
Để ông Tân thúc giục hoài cũng kỳ, Loan chậm rãi múc một muỗng cháo đưa lên miệng húp. Cái vị ngọt ngào ấm nóng đi dần vào bao tử làm cho cô có cảm giác thật dễ chịu. Ngồi nhìn Loan ăn, ông Tân trầm ngâm nói:
- Có những việc rất khó hiểu mà có thể người ngoài sẽ không thể nào tin được. Từ hôm bất ngờ gặp được cô, thú thật là trong đầu tôi luôn luôn nghĩ về chuyện đó, tôi không thể tin được trên đời lại có chuyện trùng hợp lạ lùng như thế xảy ra! Vậy mà nó đã xảy ra, xảy ra ngay trong cuộc đời tôi...
Loan ngước lên nhìn ông Tân, hỏi:
- Ý ông nói là sự giống nhau kỳ lạ giữa tôi và người vợ hứa hôn của ông, hay giấc mơ của tôi?
Ông Tân mơ màng nhìn ra cửa sổ, nói với Loan mà như nói với chính bản thân mình:
- Về tất cả cô ạ! Về sự giống nhau, về giấc mơ của cơ và về những điều khác nữa mà cô chưa biết!
- Còn những điều khác nữa sao ông? Loan ngạc nhiên. Ông Tân gật đầu:
- Đúng vậy, còn những điều khác nữa... Cô có biết không, người vợ hứa hôn ngày xưa của tôi đã chết trong một tai nạn chìm xuồng, cũng ngay trên khúc sông mà cô đã ra đời, và… cũng vào chiều ngày rằm tháng bảy!
Muỗng cháo vừa húp vô như nghẹn lại nơi cổ của Loan, cô cố gắng nuốit ực một cái rồi hỏi, giọng lắp bắp:
- Ông nói sao? Người đó chết ngay trên khúc sông đó? Cũng vào ngày đó à?
Ông Tân không nói gì chỉ lặng lẽ gật đầu xác nhận. Loan buông rơi muỗng cháo, kêu lên:
- Trời ơi!...
Ông Tân đứng lên bước vội về phía nhà trước, và chỉ một loáng sau ông quay trở xuống, trên tay cầm một cái bài vị đưa ra trước mắt Loan:
- Cô hãy nhìn đi, đây là bài vị của Lài, tôi luôn mang theo từ ngày cô ấy mất.
Loan run run cầm lấy chiếc bài vị, xem xét thật kỹ chỗ ghi ngày mất thì đúng là trùng với ngày sinh tháng đẻ của cô. Bất chợt Loan hỏi một câu không ăn nhập gì tới chuyện đó:
- Từ ngày cô ấy mất ông vẫn sống một mình? Ông Tân cười nhẹ, lắc đầu:
- Không! Sau khi cô ấy mất vài năm thì tôi lấy vợ nhưng có lẽ số tôi không may mắn, hơn mười năm trước vợ tôi cũng đã qua đời sau một trận ốm. Hai đứa con tôi đang sống ở nước ngoài.
Loan gật gù:
- Đã lấy vợ, sinh con vậy mà ông vẫn giữ bài vị của người xưa sao? Ông Tân cười:
- Giữ chứ! Tôi đã xem Lài là vợ tôi. Người vợ sau này của tôi cũng một lòng thờ kính cô ấy! Hằng năm, chúng tôi đều làm giỗ cúng cô ấy dù lúc đó chúng tôi nghèo khổ lắm, nói là giỗ nhưng có khi chỉ là một mâm cơm đạm bạc...