watch sexy videos at nza-vids!
Trường Sa, Hoàng Sa Là Của Việt Nam
TRƯỜNG SA, HOÀNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM
TRƯỜNG SA, HOÀNG SA BELONG TO VIỆT NAM
4teen.pro
Haiduongmobile.wap.sh
Thế giới giải trí cho teen Việt
Clip em xinh nóng bỏng, Clip ca sĩ lộ hàng, girl xinh nóng bỏng độ nét cao
truyen ma kinh di

Bóng Hồn

Chương 4 Ác mộng

Về đến nhà, lúc thu tiền vé, có lẽ ông tài đã tính gộp cả lệ phí " hao tổn tinh thần" vào đó, nhưng tôi chẳng còn bụng dạ nào mà tranh cãi, cứ lặng thinh bước từng bước một lên gác, mang theo cả nỗi sợ hãi trong lòng và ngẫm nghĩ mãi về cái người chỉ nói với tôi một câu ở khúc rẽ ngoặt vào lối ngõ.


Tiếng nói ấy xem chừng đã khác trước nhưng ngẫm kỹ thì đúng là giọng của Ôn Kiến Quốc rồi. Đấy là chưa kể đến chiếc nhẫn đeo ngón tay cái mà tôi từng trông thấy trên ngón tay của ông ta.
Đêm hôm khuya khoắt mà hắn chặn cổ người ta ngay trong ngõ hẻm? Tôi rùng mình, mặc dù đã mặc rất ấm nhưng người tôi vẫn run lên vì rét.


Một số người có bệnh trong tâm tưởng thường biến đổi thành hai con người khác nhau vào ban ngày và ban đêm, như Stevenson từng tả về JekyII và M. Hyde là một thí dụ. Vậy phải chăng ở Ôn Kiến Quốc cũng là trường hợp bị phân liệt về mặt nhân cách?


Sau khi ngồi vào chỗ bên bàn máy tính, tôi lấy chiếc nhẫn đeo ngón tay cái ra xem. Một chiếc nhẫn rất cổ, nó gần giiống như những chiếc nhẫn cò từ thời nhà Thương, nhà Chu nay bày ở viện Bác Cổ. Bằng chứng là trên nhẫn có khắc hình con "Thao thiết", và một cái mặt quỉ nanh ác, hai bên là hoa văn con rồng. Tôi được biết trong sách cổ người ta gọi nó là con "Phì di". Nhẫn như làm từ đồng xanh, nhưng không thấy có gỉ sắt. Tôi thử đeo vào đầu ngón tay cái nhưng không được vì chiếc nhẫn này thuộc cỡ nhỏ hơn.


Nhưng đã có chuyện gì xảy ra với ông ta? Tôi cố sắp xếp lại cho mạch lạc những gì xảy ra, cả những lời Lâm Bồ Lam đã kể, dù không thật đáng tin vì bản thân cô cũng dở điên dở khùng. Nhưng nếu hai người đều điên cả thì nguyên nhân vì sao?


Đầu óc tôi rối bời không làm sao lần ra được đầu mối. Đem về khuya, nhiệt độ tụt xuống không độ và không khí gần như ngưng tụ, đóng băng. Toàn thân tôi lún sâu trong chiếc ghế tựa, nó giá lạnh như một khối băng khiến tôi nhấp nhỏm, ngồi không yên chỗ. Chiếc nhẫn tôi cầm trong tay mỗi lúc một lạnh, tựa hồ một mảnh băng. Đầu ngón tay tôi tê dại hẳn đi, không còn cảm giác nữa. Những chỗ tiếp xúc với chiêc nhẫn bỗng nhói lên như vô vàn mũi kim đâm vào da thịt...
Bất ngờ, tôi quăng luôn chiếc nhẫn xuống mặt bàn, nó nảy lên liên tiếp, kêu đánh "keng" rồi nằm im một chỗ. Nỗi khiếp sợ vượt quá mức chịu đựng của tôi; cố lấy những ngón tay tê buốt rút từ trong bao ra một điếu thuốc, chật vật lắm tôi mới đốt lửa được. Tôi rít sâu để hơi khói nồng nặc tràn đầy hai lá phổi.


" Hút thuốc là một thói xấu, hút thuốc có hại cho sức khỏe". những kẻ buôn thuốc lá làm bộ " vừa ăn cướp vừa la làng" đã cố tình cho in dòng chữ này lên vỏ hộp. Nhưng phần đông mọi người vẫn nhắm mắt làm ngơ, đắm chìm với chất Nicotin; trong đó có tôi. Tôi nhắm mắt tận hưởng cảm giác đê mê, cho đến lúc không nín thở được nữa mới nhả cho hơi bay ra.


Tôi mở to mắt. Trong phút chốc, một cảnh tượng kỳ lạ bày ra ngay trước mắt. Bộ máy tính quen thuộc không cánh mà bay, thay vào đó là một khu rừng đen ngòm. Cây rừng ken dày san sát, trời về đêm nên mọi vật tối đen. Khi có gió thổi qua, tất cả đều lay động, không màu sắc, trông giống như tảo biển bồng bềnh. Sự vật lặng im như đón đợi hiểm nguy đang rình rập.


" Phải chăng đây là một giấc mộng?" - Tôi tự nhủ. Dẫu biết thế, nên tôi vẫn không tài nào tự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi đang nhen nhòm trong lòng. Với cặp mắt rầu rĩ, tôi đứng dậy nhìn xuống dưới chân. Sàn nhà không còn là bê tông nữa, nó chuyển thành đất bùn nhão nhoét có màu đen bám lấy gót chân. Vừa rồi tôi đã ngồi lên một tảng đá hình thù quái lạ.


Tôi đã đến đây lần nào chưa? Cảnh mộng là sự phản ảnh của hiện thực nhưng tôi không tài nào nhớ nơi này. Giấc mơ, cuối cùng vẫn chỉ là giấc mơ. Tôi trông về phía trước, cánh rừng tựa như một vật sống, nó lay động trong không gian tĩnh lặng, nguy hiểm nhưng quyến rũ lạ kỳ. Ngay nơi bìa rừng, có một người giơ tay vẫy tôi:

- Đấy đây nào?

Rồi người đó như thốt lên:

- Đến đây, nhanh chân lên nào!


Tôi tiến thêm một bước. Đất bùn dưới chân như cơ thể của một con vật. Tôi hoảng hốt đi tiếp, trông rõ bóng người trước mắt tôi mỗi lúc một to hơn.


- Rốt cuộc mày cũng đến.


Hắn nói, không hề phát ra âm thanh. Bóng đen mang hình người. Tôi trông thấy lờ mờ chiếc mặt nạ và thấp thoáng dáng hình thân thể một con người, dường như nó còn đen thẫm hơn cả xung quanh. Đúng thực là một cái bóng.


Tôi bước đi như người không hồn, hắn quay người lại, và hình như lúc ấy, trên khuôn mặt xuất hiện nụ cười. Nhưng trời tối đến nỗi tôi không làm sao xác định cho được. Gió vẫn thốc tới, thốc qua tay áo; cổ áo, xống áo tôi không còn dính sát vào người nữa. Tất cả diễn ra trong lặng im và tịch mịch.


Có phải là một giấc mơ không lời? Tôi nghển cổ nhìn lên trời. Không thấy trăng. Bầu trời đen ngòm, chỉ mơ hồ tưởng tượng ra những đường nét bao quanh. Tôi đi theo người đó vào trong cánh rừng.


Một con đường. Một lối mòn uốn lượn quanh co. Cỏ dại như lửa đỏ, vùi lấp lên khắp mặt đường đi. " Giữa rừng có hai nẻo đường". - Đó chính là câu mở đầu trong bài thơ nổi tiếng của Robert Frost. Nhưng với tôi, bây giờ chỉ có mỗi một con đường và tôi bị buộc phải đi theo hắn.


- Có trông thấy gì không?


Hắn vụt đứng lại, chỉ tay về phía trước. Với ánh mắt đầy vẻ trầm tư, tôi nhìn theo hướng hắn vừa chỉ. Đó là một đống lúa sau vụ gặt hái với cái ụ nhô cao nơi đầu bờ.
Là một miệng giếng, ngay bên bờ có một người quỳ sụp ở đó.


- Đây mới là sứ mệnh của ông.


Hắn nói một cách vô thanh và như hoà điệu với lời hắn nói, người đang quỳ nơi bờ giếng kia, tức thì cúi đầu, khom nửa người xuống dưới miệng giếng, cùng lúc, toàn thân y giãy giụa như đang bị điện giật.


Tôi hoảng hồn vì nhận ra con người xấu số kia đang muốn chết, dẫu chỉ là một giấc mộng, nhưng tôi vẫn không thể không lao tới, đưa tay túm chặt hai vai gã.
Dù chỉ là trong mơ nhưng chắc không ai trông thấy chết mà có thể làm ngơ được. Khi hai cánh tay tôi đưa ra, bất thần tôi thấy mình đã lầm to, tưởng đâu đó là con người lao đầu qua miệng giếng, ai ngờ cơ thể hắn đang bị tiêu tan tựa hồ một cây nến sản xuất thủ công đang tan chảy, chỉ mỗi một điều lạ là không thấy tâm bấc của ngọn lửa. Ở đấy, một dòng nước đen ngòm chảy ra.
Không đúng, không phải là dòng nước đen mà nó là một cái bóng đang rập rình hình thành.
Tôi không sao hiểu nỗi những gì vừa trông thấy; ngẩng cao đầu lên, tôi đưa mắt nhìn chằm chằm vào người đã dẫn tôi đến đây. Hắn đứng ở chỗ chỉ cách xa tôi chừng năm, sáu mét đường. Đã có chút ánh sáng chiếu vào khuôn mặt hắn nên có thể nhìn thấy rõ hơn ngũ quan của hắn. Tuy nhiên, dường như ngũ quan của hắn cũng đang tan vào trong đêm tối nên tôi đã phải nhọc lòng mà chẳng được gì.


- Chuyện dâm dục đều kết thúc như thế cả thôi!


Hắn nói không có tiếng, còn làm bộ cười nữa. Người tôi nổi gai ốc khi thấy hắn ngẩng đầu lên với khuôn mặt phơi ra dưới ánh sáng vàng vọt. Là Ôn Kiến Quốc - Con người đã ám ảnh tôi trong giấc mộng. Đúng ông ta rồi, chỉ có điều là trên mặt ông ta giờ đây hằn ngang những vạch đen, như những vết rạch cắt sâu, ngọt xớt của lưỡi dao bào rất sắc. A! Cuối cùng tôi cũng gào lên được một tiếng, không cần giữ ý tứ, hơn nữa cũng vì ngón tay tôi bỏng rát không chịu nổi. Bất thình lình, tôi nghe thấy tiếng mình nói, bầu không khí trong lành xung quanh thoắt cái đã trở nên vẫn đục và nóng ngột ngạt. Khoảnh khắc ấy tôi mới chợt nhận ra mình vẫn ngồi y nguyên trước bàn máy tính. Trên màn hình xuất hiện những biểu tượng của Microsoft.


Giấc mộng ấy, tôi nghĩ... bàn tay tôi gí chuột, màn hình thoắt cái sáng lên và xuất hiện trang chủ tôi đọc dở trước lúc ngủ quên. " Bạn có muốn du chơi nơi thế giới cảm giác muôn màu muôn sắc hay không? Chần chừ gì nữa, hãy kích chuột đi thôi" - Quảng cáo Games trên mạng đang quyến rũ tôi đây. Tôi xem xét kỹ ngón tay mình, điếu thuốc mới rồi châm vào giữa ngón trỏ và ngón giữa, vết tích còn nguyên. Những ngón tay bị khói thuốc hun lâu ngày, có chỗ đã bám màu nâu sẫm. Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Có lẽ đó là câu nói thật duy nhất của những người kinh doanh thuốc lá. Nhưng tôi chỉ e rằng cho đến lúc lá phổi tôi tích đầy chất Nicotin và mắc bệnh nan y thì ngón tay tôi đã bị thiêu rụi mất rồi còn đâu nữa? Như bữa nay chẳng hạn, ít nhất thì tôi đã bị bỏng tới hai lần rồi. Vết bỏng trên ngón tay tôi vấy đỏ, lên cơn giật đến nỗi tôi nghe thấy cả nhịp đập của mạch máu. Mỗi lần chiêm bao thấy ác mộng, tôi những tưởng mình đã bước sang thế giới bên kia, không thể tin rằng mình vẫn còn sống sót! Dưới mặt đất, điếu thuốc hút dở tôi vừa vứt xuống, chốc chốc lại lóe sáng đốm lửa tàn. Tôi nhặt nó lên bỏ vào cái gạt tàn và dụi tắt lửa. Chiếc gạt tàn đã lâu rồi không có người đem đi đổ, lúc này chứa đầy những đầu mẫu và tàn thuốc bốc lên một mùi cay xè, khét lẹt, rất khó chịu. Thoắt cái, tôi lại nghĩ tới cơn ác mộng ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm tôi hoảng hồn. Cảnh tượng tôi thấy trong mộng giống hệt lời kể của Lâm Bồ Lam. Vậy cớ sao tôi không mơ thấy cô ta mà một lần nữa lại là Ôn Kiến Quốc xuất hiện và len lõi vào trong giấc mơ của tôi.


Đêm khuya, nhiệt độ hạ thấp dần. Ở giữa cái thành phố không có lấy một ai là người thân này lại càng cảm thấy rét đậm hơn; tôi thầm nghĩ vậy và bỗng thấy buồn nôn nao. Tôi muốn khóc.
Tôi tắt máy tính định sẽ đi tắm, nhưng nước nóng đã hết mất rồi. Tôi lấy ít nước lạnh để rửa chân. Sau đó cởi quần áo rồi chui luôn vào trong chăn. Cung cách ăn ở của những tay chưa vợ đều như thế cả. Chỗ tôi được xem là sạch sẽ và ngăn nắp hơn cả, vậy mà mép chăn đắp cũng loang lỗ những vệt bẩn lẫn dầu mỡ và bốc lên mùi hôi chua loét. Lâu dần, những thứ mùi đó trở nên thân quen, nó gieo vào lòng tôi cảm giác ấm áp. Nằm lơ mơ một lát, tôi ngũ thiếp đi lúc nào không hay.
Lúc tỉnh dậy, trời đã sáng rõ, tôi hối hả đến ngay tòa soạn mà vẫn muộn giờ, đoán trước sẽ phải nghe Giám đốc lên lớp một hồi. Đúng lúc tôi ngồi vào bàn làm việc thì anh chàng Văn Đán không biết từ đâu bước tới, hỏi han vồn vã:


- Chào Khang nhé, hôm qua cậu say rồi phải không?
- Anh làm tôi phải nhắm mắt uống liều.
- A ha, ai ngờ tửu lượng của cậu lại kém như thế. Hôm qua, bọn này còn thấy một gã say mềm bước đi chân nam đá chân chiêu, cứ ngỡ là Khang ta đi lạc đường cơ đấy.


Dứt lời văn Đán ngáp dài, ngồi sang một bên lo công việc của mình. Tôi cũng ngồi vào chỗ sửa soạn đọc bản thảo của số tạp chí tiếp theo. Lúc mới ngồi xuống, người tôi vẫn đau như dần, may nhờ hơi men vẫn còn hiệu lực đã giúp tôi đọc loáng thoáng những dòng chữ trên màn hình.
Đọc qua một lượt, tôi thấy chưa có bài nào đạt yêu cầu; tôi mở hòm thư thử xem trong những bài gởi tới có bài nào dùng được không. Hòm thư mở ra, có tới mấy chục bài viết nhưng hầu hết là đoản văn và những bài có dung lượng một đến hai KB. Tôi chọn lấy một bài có độ dài mười mấy KB, nội dung kể chuyện một xác chết giết người, cải biên dựa theo tập bút ký của người Thanh. Giọng văn không có gì đặc sắc, cho thấy sức tưởng tượng của người viết còn kém.
Giữa lúc ấy, bỗng nghe tiếng cười to của Văn Đán rồi thấy tiếng của một người bạn đồng nghiệp:


- Anh Văn Đán có chuyện gì mà phởn thế?


- Thì đây, lại có thêm một người nữa nói hắn trông thấy một chiếc bóng biết tự cử động. A ha... Hóa ra bây giờ mọi người đều chuộng loại chuyện này.


- Chưa biết chừng họ bị ảnh hưởng vì xem phim Xfile, trong đó có một tập nói về chiếc bóng giết người... - Riêng tôi chưa xem Xfile nên chưa kịp hiểu hết câu chuyện họ đang bàn cãi với nhau thì đã nghe Văn Đán lên giọng hùng hồn:


- Đúng rồi, tôi xem bộ phim ấy rồi. Chiếc bóng đó có thể lách qua khe cửa đi vào trong. Người bóng vừa dán lên cánh cửa, thoắt cái đã biến mất, như luồn qua vậy. Thì ra người Mỹ họ có trí tưởng tượng tài tình thật, tôi e rằng người Trung Quốc không thể có nổi những bộ phim như thế.
Tôi nói xen vào:


- Chuyện bịa đấy mà. Chiếc bóng chẳng qua là tia sáng do có vật cản trước mặt mà nên, còn như bị ngăn cách bởi cánh cửa thì làm thế nào hình thành chiếc bóng cho được?
- Nhưng đây không phải chiếc bóng, nó là một loài sinh vật cơ mà. Một thứ sinh vật hai chiều.
Tôi bật cười:


- Đúng là một lũ dối trá. Chiếc bóng, nếu là sinh vật thì nó lấy gì để ăn nào?
Câu nói này vốn do Văn Đán sực nhớ ra nên nhe răng cười:


- Tôi biết cậu Khang có trí nhớ khá lắm, đã là câu chuyện thì sao cố phải cố làm cho nó thật minh bạch làm gì chứ. Cũng như ta lấy khoa học để giải thích phim kinh dị, liệu có giải thích nổi không?
- Anh nói phải lắm, tất cả các phim kinh dị rùng rợn đều giống nhau cả. Nếu không có ma quỉ thì coi như bộ phim kinh dị đó đã tự làm mất đi tính chất hoang đường, huyễn hoặc của nó. Còn nếu có yếu tố ma quỉ thì bộ phim đó lại không phù hợp với logic cuộc sống. Về cơ bản là như thế. Hết.
Tôi xếp chuyện dài này vào một hồ sơ riêng phòng trường hợp không có bài hay hơn thì sẽ dùng nó cho số tạp chí kỳ tới. Sau đó tôi còn đọc thêm một số truyện nữa, phần nhiều vẫn là những truyện rất ngắn. Trăm chuyện như một, đều rập khuôn theo một công thức sẵn có: khơi mào câu chuyện rồi phát hiện có ma, nếu thay đổi họ tên nhân vật trong truyện thì sẽ thấy chúng được viết na ná như nhau. Cách sử dụng từ ngữ, tu từ rất vụng, rõ ràng chỉ thuộc trình độ học sinh trung học. Thậm chí có một bài viết với trìch độ của học sinh tiểu học bởi vì có mấy chữ tác giả không viết được bằng chữ phổ thông nên đảnh phải viết bằng phiên âm la tinh.
Đọc xong mười chuyện, tình cờ tôi phát hiện được một hộp thư khá quen thuộc.
Nó là của Ôn Kiến Quốc.
Một lá thư rất ngắn, chỉ có hơn hai mươi bộ, nghĩa là khoảng hơn mười từ đơn, chắc hẳn không phải là bài gởi đăng báo. Tôi mở bức thư để đọc và không khỏi giật mình:
Ông ta viết:
- Ông đấy à? Cứu tôi với, tôi chết đến nơi rồi.
Cuối câu lẽ ra phải có dấu chấm than song ông ta bỏ, không đánh dấu. Xưa nay Ôn Kiến Quốc viết rất đúng văn phạm, trau chuốt từng từ từng câu. Như đoạn vào đầu chẳng hạn, bao giờ ông ta cũng để cách hai khoảng, các dấu chính tả không bao giờ có sai sót. Tôi đâm nghi ngờ, hình như không phải tự tay ông ta viết ra.
"Không có lẽ đây lại là trò đùa?" Tôi đâm sốt ruột. Ôn Kiến Quốc chỉ là cộng tác viên của tôi, hai chúng tôi không thân thiết đến mức có thể trêu chọc nhau được. Vậy rốt cuộc ông ta định giở trò gì đây?
Tiếp nữa, tôi đọc thêm một số văn bản khác và một số truyện ngắn, Trong đó, có một truyện dài hơn một ngàn chữ viết rất kỹ, lời văn điêu luyện, tên ký hình như của một phụ nữ. Truyện này có thể đăng tạp chí được nên tôi copy một bản và viết thư thông báo cho tác giả biết bài viết sẽ được sử dụng. Số văn bản còn lại tôi quăng tất vào sọt rác. Đúng lúc định nhấn phím Delete thì bàn tay đang cầm chuột của tôi chợt chững lại:
" Là ông đấy ư?" Mấy chữ này trong lá thư của Ôn Kiến Quốc có nghĩa gì?
Tôi thấy lạnh cả người, mặc dù trong phòng vẫn chạy máy điều hòa. Tôi choàng nhớ lại con người tôi gặp đêm hôm qua.
Tôi chỉ trông thấy người ấy từ phía sau với cả chiêc nhẫn trên ngón tay cái của hắn ta nữa...Liệu có đúng là Ôn Kiến Quốc không?
Sở dĩ Lâm Bồ Lam nói Ôn Kiến Quốc bị mất tích là vì cô ta không cách gì tìm thấy ông ta được . Nếu như Ôn Kiến Quốc vẫn còn sống ở thành phố này thì đêm đêm, chờ lúc khuya, ông ta sẽ lại xuất hiện quanh quẩn nơi đường phố lạnh lẽo hoặc trong ngõ hẻm dọc ngang quanh co như mê cung ấy; đó mới chỉ là một khả năng; còn thật đến đâu thì chưa ai biết!
Lâu nau Ôn Kiến Quốc được mọi người biết đến với tư cách là một tác gia viết khá nhiều tiểu thuyết kinh dị song ông ta vẫn là một con người bình thường, chứ không phải như tin đồn là những ai viết nhiều tiểu thuyết rùng rợn đều có dáng điên điên, khó hiểu. Vậy giả sử con người ấy đúng là Ôn Kiến Quốc thì tối hôm đó, vào lúc đêm khuya, ông ta lởn vởn ở đầu phố để làm gì chứ? Đi tìm cảm hứng sao? Thói xấu ấy tệ hại lắm phải không?
Tiếng máy điều hòa nghe âm âm, tai tôi ù đi, chỉ thấy nơi của thông gió, khói bốc lên, tỏa ra những gợn sóng oi nồng. giữa lúc đó, tôi có cảm giác mình bị rơi tõm xuống vực, hai bên tai vang lên tiếng ong ong của bầy ong vỡ tổ. Ngoài ra, tôi không còn nghe thấy gì hết.
Đêm qua, con người đó cũng nói đúng ba chữ ấy.

Tôi giật nảy mình, con chuột nắm trong lòng bàn tay cạch một cái rồi văng ngay xuống đất khiến cả ba người trong phòng cùng đổ dồn mắt nhin tôi chằm chằm. Trong lúc tôi cố gượng cười và cúi xuống nhặt nó lên, trên khóe miệng vẫn còn nét rung rung, tưởng đâu mình vừa bị rơi xuống một hang đá bị băng tuyết bao phủ, rét cắt da cắt thịt. Sau đó tôi sắp xếp đống giấy tờ trên bàn cho gọn gàng rồi kéo máy điện thoại lại gần, bấm số của Ôn Kiến Quốc. Nghe hồi chuông đáp và ai đó nhắc máy:
- Ông Ôn Khắc đó phải không? - Tôi hỏi
Không có tiếng trả lời. Sự im lặng kéo dài, nặng nề; khoảng ba mươi giây sau mới nghe thấy tiếng buông máy.
Tôi đứng phắt ngay dậy. Văn Đán nhìn tôi, ánh mắt lộ vẻ ngờ vực:
- Sao thế bạn thân mến?
- Tôi phải đi gặp cộng tác viên đây.
Nói rồi tôi vội vã đi ra cửa, phía sau nghe Văn Đán vừa cười vừa nói:
- Chắc lại là người đẹp, không thì cậu ta chẳng đến nỗi phải hấp tấp, vội vàng như thế!
Dẫu sao tôi phải gặp bằng được Ôn Kiến Quốc chứ không đành lòng để dằng dai mãi tình trạng rối tinh rối mù như thế này. Nếu quả thật là trò đùa thì tôi sẽ bảo ông ta thôi ngay đi, tiện thể trả lại cho ông ta chiếc nhẫn đeo ngón tay cái luôn. Vật tuy nhỏ song dẫu sao nó vẫn là đồ cổ, có thể được giá đấy. Xuống xe taxi vừ atầm giờ Ngọ, lại là dịp giáp tết, người qua lại đi sắm tết, bọc to bọc nhỏ, nhộn nhịp khác thường. Tiếng là trung tâm thành phố song ở đây không có mấy cửa hàng to đẹp. Hầu hết những công trình năm tầng xây theo kiểu Liên Xô cũ đều vuông thành sắc cạnh với dáng thâm nghiêm lạnh lẽo. Ngôi nhà của Ôn Kiến Quốc nằm lọt thỏm ở giữa, chẳng khác gì quả trứng chim kề bên khối đá to đùng, bị đè bẹp gí lúc nào không hay.


Đứng lại trước cổng nhà Ôn Kiến Quốc, tôi đưa tay đập cửa. Cánh cổng cũ vang ầm, nghe như bên trong là một khoảng trống rộng rãi, dội lại hồi âm văng vẳng. Cửa sổ xung quanh đã đóng chặt, bên trong có dán giấy báo kín mít không cho gió lọt vào. Tôi lại đập cửa, vừa đập vừa lớn tiếng gọi:
- Ông Ôn Khắc, là tôi đây. Ông có nhà không?

Chợt có bà cụ già đi ngang qua. Cụ đưa mắt nhìn tôi đầy ngờ vực. Với các cụ bà tuổi cao lại thêm tính đa nghi, tôi biết rất rõ các cụ là chúa nhút nhát chưa biết chừng đến một lúc nào đó là cụ gọi ngay cho số 110 báo động chứ không vừa đâu. Nghĩ vậy song tôi vẫn chưa chịu thôi đập tay vào cánh cổng:


- Ông có ở nhà không, ông Ôn Khắc?


Chắc chắn ông ta phải có ở nhà chứ.
Bà cụ tuy đã bỏ đi rồi nhưng mà đầu vẫn ngoái lại, mắt nhìn tôi không chớp làm tôi gai hết cả người. Tôi thở một hơi dài, nghĩ bụng đành ra về vậy. Khi tôi chuẩn bị rời khỏi đây thì từ phía trong ngôi nhà bỗng có tiếng hỏi vọng ra:


- Là ông đấy ư?


Tôi sợ toát mồ hôi. Đúng tiếng của người tối hôm qua nhưng sao nó không thật giống tiếng của Ôn Kiến Quốc. Tiếng nói này nghe như phát ra từ một nơi rất sâu.
Thoắt cái tôi xông tới gần sát cánh cổng đưa tay đập mạnh:


- Ông Ôn Khắc đấy phải không?


Đúng là tiếng Ôn Kiến Quốc rồi; chẳng qua là do hôm trước tôi chuếch choáng say, với lại giọng nói của ông ấy cũng có phần thay đổi nên tôi không kịp nhận ra ngay. Tiếng nói khô lạnh như băng, nhưng ở cái giọng tưởng đâu là một ngưởi xa lạ ấy lại có nét rất giống với Ôn Kiến Quốc.
Ông ta dừng lại chốc lát rồi mới nói tiếp:


- Rốt cuộc ông đã có mặt ở đây... Muộn quá rồi!


" Muộn quá rồi!" - Ba từ cuối ông ta nói nhỏ nhẹ như tiếng thì thầm, nghe không rõ... Tôi không dừng được nữa, nói như gắt:
- Ông bị làm sao thế, ông Ôn Khắc? Hôm qua tôi có gặp bạn gái ông, cô ấy đang lo lắng tìm ông. Lúc ấy, ông ở đâu?
Ông ta nín thinh. Chờ giây lát không thấy ông ta nói gì, tôi lại đưa tay đập cổng:
- Mở cửa ra nào, ông Ôn Khắc, tôi còn phải đặt ông viết bài cơ mà .
Đặt bài, đó chỉ là cái cớ thôi, và trong tình huống cụ thể như thế này, tôi cũng không nghĩ ra điều gỉ hơn thế. Đột nhiên ông ta bật khóc, tiếng nghe nhỏ như bị nén lại, gắng gượng:
- Làm thế nào bây giờ. Muộn quá mất rồi!
- Nhưng ông bị làm sao nào? Ốm thì đi khám bác sĩ, bệnh nan y thì chịu chạy chữa rồi cũng khỏi cơ mà.
Bất thần ông ta kêu lên:
- Nhưng nó không phải là bệnh
- Vậy nó là gì chứ, có phải trên người ông phát ra những đường vân không?
Dĩ nhiên, tôi không đời nào tin lời kể của Lâm Bồ Lam, nào là ông già ấy bị nứt toát ra rồi chiếc bóng đen ngòm trồi dần ra từ bên trong... Nhưng chưa biết chừng vào cái đêm ấy, Ôn Kiến Quốc và Lâm Bồ Lam đã bị nhiễm virus bệnh kỳ quái tại cái làng nhỏ, hẻo lánh ấy cũng nên. AIDS - ban đầu người ta cũng hoang mang không biết nó là gì, về sau nó mới trở thành đại dịch tràn lan khắp toàn cầu.


Ôn Kiến Quốc cười sằng sặc ở trong nhà:
- Tôi nói anh nghe, nó không phải bệnh mà là một chiếc bóng sống.
Bóng sống ư? Lâm Bồ lam cũng từng nói thế. Tôi lắc đầu như muốn xua đuổi cái ý liên tưởng ấy ra khỏi đầu mình rồi mới hỏi:
- Chiếc bóng sao mà sống được hả ông Ôn Khắc? Ông cả nghĩ quá rồi đấy. Nếu như ông thấy trong người khó ở thì nên đi khám bác sĩ là tốt nhất.
Ông ta lại cười, tiếng cười nghèn nghẹn, lạnh và khô khốc. bấy giờ đang lúc giữa trưa, trời ấm áp và nắng chan hòa, vậy mà tự nhiên tôi thấy xung quanh tối sầm lại; trong phút chốc, mây đen kéo đến đầy trời và gió rét từ đâu thổi về. Tôi run lên, nói:
- Vậy cuối cùng ông bị làm sao hả ông Ôn Khắc?


Bỗng nhiên, từ trong họng ông phát ra tiếng kêu "ùng ục" nghe khác lạ, không phải của người mà tựa hồ như của loài thú. À, không phải, tiếng của con thú khỏe hơn, đầy sinh khí, còn tiếng kêu này giống như tiếng nước bục ra từ đường ồng bị vỡ và đúng hơn, nó giống hệt tiếng mút nước của một vật nặng chìm ngập trong bãi lầy lạnh lẽo và ẩm thấp.
Tôi phát hoảng lên dang tay đập cổng, lớn tiếng gọi:
- Ông Ôn Khắc... Ông Ôn Khắc!


Im lặng ...
Hoặc là cảm giác của tôi sai mất rồi. Thoắt cái cánh cổng đã lạnh như đá, cái lạnh của sự chết chóc. Chất gỗ vốn ít truyền nhiệtnhưng tôi vẫn cảm thấy hơi lạnh thấm qua cánh cổng.
Tôi đã toan giơ tay đập cổng lần nữa thì nghe tiếng kêu vang lên từ bên trong.
Một tiếng kêu thê thảm. Tôi chưa kịp hoảng hốt thì có xe cảnh sát phóng vội đến nơi. Quả thật bà lão có tinh thần cảnh giác đã kịp báo cảnh sát, và lúc này, tổ chức 110 tỏ ra rất được việc. Tôi vội né người sang một bên để nhường lối cho hai người cảnh sát bước từ trên xe xuống. Hai người này tiến thẳng đến nhà Ôn Kiến Quốc. Họ dừng lại trước cổng, một người đưa mắt nhìn tôi giây lát, cất tiếng hỏi một cách nhã nhặn:


- Xin hỏi ông là ai vậy?
- Tôi đưa tay vào túi áo lấy danh thiếp, trao tay cho mỗi người một tấm, miệng nói:
- Tôi là biên tập viên của tạp chí Truyền Kỳ Đại Quan.
Viên cảnh sát đưa mắt đọc lướt qua rồi bỏ nó vào túi áo, cất tiếng hỏi:

- Vậy ông với ông Ôn Khắc là chỗ quen biết?
- Ông ấy là cộng tác viên của tôi, thưa ông cảnh sát. Tôi chả bận việc gì, bữa nay đến đây cốt là để đặt bài với ông ấy thôi.
Hai người đưa mắt nhìn nhau rất ý nhị, một người khẽ nhắc tôi:
- Phiền ông đứng né sang bên một chút - rồi ông ta đi đến trước nhà đưa tay gõ cổng, gọi ầm ầm:
- Cảnh sát đây, ông Ôn Kiến Quốc, xin mời ông đi cùng chúng tôi lên trụ sở cục.
Không có tiếng đáp lại, viên cảnh sát bực tức ra mặt, lớn tiếng quát:
- Đừng vờ nữa, chúng tôi biết ông ở nhà, nếu quả thật ông không can gì thì cứ việc đến đấy trình bày.
Ôn Kiến Quốc vẫn nín lặng. Viên cảnh sát vừa nói dứt lời giờ nổi nóng văng tục:
- Lũ cầm bút như các người là chúa hay gây những chuyện như thế này. Cái đồ biến tướng họ Ôn kia, có gan làm thì cũng phải có gan đứng ra nhận chứ!
Ông ta vẫn không chịu lên tiếng. Trong nhà im ắng. Hai viên cảnh sát đành phải bó tay, nói gì với nhau trong chốc lát, rồi một người lấy ra một tờ giấy in sẵn có đóng dấu, viết lên đó mấy chữ đem dán lên cổng. Đó là giấy gọi trình diện. Xong đâu đấy, viên cảnh sát còn nói thêm:
- Xin ông nhớ cho, ông Ôn Kiến Quốc, đến lúc đó, nếu ông cố tình vắng mặt thì chúng tôi sẽ phải cưỡng chế đó!
Tôi cảm thấy lo lắng, chờ lúc họ lên xe mới đuổi theo hỏi:
- Vậy đã có chuyện gì thế, thưa ông cảnh sát?
Viên cảnh sát đã chuẩn bị cho xe nổ máy quay mặt về phía tôi rồi nói:
- Đêm qua có người bị giết chết và ông ấy bị tình nghi. Ông chẳng dính líu gì, tránh đi là hơn. Nếu không, chúng tôi nghi cả cho ông thì khốn.
Có người bị chết sao?
Cảnh sát đã nổ máy, xe sắp sửa lăn bánh, tôi cố hỏi thêm:
- Người chết là ai cơ?
Viên cảnh sát tỏ vẻ sốt ruột, nói cho qua chuyện:
- Ông cứ đọc tờ Tin tức Buổi Trưa, chắc đã đăng tin này rồi. Chậm nhất là trên tờ Tin Tức Buổi Tối. thôi nhé!
Tin Tức Buổi Trưa chưa có tin này. Buổi tối, sau khi về đến nhà, tôi bật vi tính xách tay, vừa ăn mì ăn liền vửa xem tin. Nội dung tin tức chả có gì mới, kể cả tin trong nước cũng như tin thế giới. Sau chót là tin thành phố, đến lúc này tôi chẳng còn nhớ gì ở trong đầu nữa, vội vàng và nốt mấy sợi mì ở trong bát thì nghe tiếng nữ phát thanh viên đọc:" Tối qua phát hiện thấy một xác chết trôi sông ở cuối thành phố. Nạn nhân là một phụ nữ còn trẻ, qua xác minh được biết tên là lâm Bồ Lam, 25 tuổi ".
Lâm Bồ Lam chết rồi sao?
Tôi đặt bát xuống, hai mắt nhìn trân trân vào màn hình. Mới hôm qua người phụ nữ này còn van nài tôi cùng đi với cô tới Hồ Nam, thế mà hôm nay đã chết rồi. Lúc ấy, hình như tôi đang uống rượu thì phải...
Cái bát đựng mì trên bàn bỗng tiếng kêu lách cách. Có lẽ vì tay tôi run rẩy. Hình ảnh trên tivi cho thấy thi thể Lâm Bồ Lam được vớt lên; nước sông ngầu bọt, váy áo trên người cô thấm đẫm nước, căng phồng thành một cái bị to đùng. Người đến xem vây kím xung quanh, nô nức và vui vẻ. Theo quan niệm, ngày tết sắp đến, những ai trông thấy người chết sẽ gặp được nhiều may mắn. Có hai người tay đeo găng cao su khiêng xác chết từ dưới sông lên. Lâm Bồ Lam được đặt nằm, ngửa mặt lên trời, hai cánh tay duỗi thẳng, thân thể cứng như một cây gỗ.
Qua màn hình tivi, tôi thấy khuôn mặt cô vẫn bình thường. Dẫu độ nét màn hình máy vi tính của tôi không thuộc loại tốt nhưng vẫn thấy rõ gương mặt Bồ Lam trắng bợt như tờ giấy, chỉ có ít chút cỏ rác dưới sông vương trên mái tóc bết lại. Trên làn da không thấy có vết gì khác thường. Tôi có ý muốn được xem kỹ lại hai cánh tay cô, hiếm một nỗi, phần cánh tay để hở ra ngoài rất ít nên không thể phát hiện ra điều gì.
Vậy phải nói như thế nào đây? Có thật Lâm Bồ Lam cố tình đánh lừa tôi không? Với cô, tôi không phải chỗ quen biết. Hãy cứ cho là cô ta định giở trò trêu tức tôi đi, vậy sao cô ta vẫn chết? Thế là thế nào?
Tôi tắt vi tính, đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Khuôn của có chấn song cắt vụn khung cảnh ngoài trời làm nhiều mảnh, khiến người ta cảm thấy tức mắt và trong tiếng động huyên náo từ xung quanh dội lại, tôi chỉ thấy hiện lên trước mắt mình hình thù hai cánh tay duỗi thẳng của Lâm Bồ Lam. Vẻ như cô đang van xin? Vải áo ướt đẫm nước dính xát vào cánh tay, hở ra mỗi một đoạn ngắn có nước da trắng xanh nhưng rắn chắc, tựa hồ được tạc bằng đá cẩm thạch.

Đúng là màu của sự chết chóc. Tôi vẫn còn nhớ lúc trông thấy thi hài của ông bác tôi; dưới ánh sáng của hai ngọn nến trắng, bác tôi được đặt nằm trên chõng tre và nước da ông cũng có màu trắng xám giống như nước da tôi vừa trông thấy của Lâm Bồ Lam. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người chết mà không biết sợ là gì. Khác hẳn bây giờ, trong tôi nhen nhóm sợ hãi khi trông thấy thi thể Lâm Bồ Lam, dẫu tôi biết mình chỉ nhìn thấy những hình ảnh ấy trên màn hình mà thôi.
Ai là người đã giết hại cô ấy? Tuy phát thanh viên không nói đó là vụ án giết người nhưng tôi biết chắc chắn cô đã bị ám sát.
Trời bỗng nhiên tối sầm, mây đen ùn ùn kéo đến như sắp đổ mưa. Tôi chạy vội ra cất quần áo phơi ở ngoài vào. Sau đó đóng của sổ và ngồi vào bàn vi tính. Trong nhà không bật sáng đèn nên còn tối hơn ở ngoài trời. Những chiếc bóng vì thế trở nên sinh động hơn và bắt đầu hắt hình xen lẫn vào nhau, tựa hồ vô số quái vật đang há hoác miệng chờ đợi. Tôi nhấn nút khởi động máy tính, nghe ổ đĩa cứng chuyển động đánh "tịch" một tiếng và màn hình hiển thị.
Ngày đông năm nay trời không đến nỗi rét, song vì cơ thể vốn nhạy cảm mỗi khi thời tiết thay đổi nên tôi rất dễ bị cảm. Mấy bữa nay lại bị sổ mũi, tôi đưa tay ra xé giấy đặt cạnh bàn để lau mũi. Cùng lúc máy tính khởi động vừa xong, tôi nháy chuột vào chương trình QQ. Không dè nước mũi chảy ròng ròng, tôi lại phải xé giấy lau. Lúc ấy tôi thò tay vào túi áo và thấy mát lạnh nơi đầu ngón tay, sực nhớ ra chiếc nhẫn đeo ngón tay cái tôi bỏ đó, định trong ngày hôm nay đem trả cho Ôn Kiến Quốc. Không ngờ ông ta đóng chặt cửa không để tôi vào nhà nên tôi quên bẵng nó đi. Tôi thử đeo vào ngón tay cái của mình. Lạ thật, lần này nó rất vừa. Không biết có phải vì tôi gầy đi chăng? Nhìn chiếc nhẫn trên ngón tay cái, tôi lại không thấy có gì quái gở nữa. Thật lạ!
Tôi vừa lau mũi vừa mãi mê đọc những trang trên chương trình QQ. Ban ngày tôi ít kết nối mạng nên những tin nhắn gởi cho tôi được lưu ở hộp thư khá nhiều. Tôi đọc lần lượt từng lá thư một.
Thư đầu tiên là của một tác giả báo cho tôi biết bài viết xong rồi và ông đã gởi nó vào hộp thư của tôi. Những bài viết của tác giả này thường khá hay, chỉ phải cái ông ta viết rất chậm, hiếm khi viết một mạch là xong. Riêng lần này, không hiểu sao ông rất đúng hẹn nên tôi lấy làm mừng. Tôi thôi không đọc mục nhắn tin nữa và chuyển sang đọc nội dung bài viết.
Tôi click vào boxmail. Trên màn hình hiển thị ba chữ rõ ràng:
- Là ông đấy ư?
Nhìn ba chữ ấy, tôi cứ như giẫm phải con rắn độc, và nỗi kinh hoàng lại dâng lên. Dấu ấn của nó đã hằn sâu trong tôi đến nỗi tay cầm chuột cứ run lên bần bật.
Đó là nội dung tin nhắn của Ôn Kiến Quốc gởi đến tối hôm qua, sau khi tôi đã về nhà. Đêm qua, sau cơn kinh hoàng trên đường phố, về đến nhà, tôi không còn bụng dạ nào kết nối mạng nữa. Máy ở văn phòng lại không có phần mềm chương trình QQ nên mãi đến bây giờ tôi mới đọc được nó. Sau câu trên, ông ta bắt đầu kể lể một đoạn dài khoảng vài trăm chữ. Không rõ ông ta đã gởi đi bao nhiêu đoạn như thế, chỉ biết rằng trên trang Web dày dặc những dòng chữ. Ngôn từ không được chau truốt, trôi chảy như trong những tiểu thuyết Kiến Quốc thường viết. Thông tin ông ta viết lần này lộn xộn, lủng củng không ai có thể nghĩ đó là của một người cầm bút chuyên nghiệp? Phía dưới câu chữ, lời văn rối rắm, lộn xộn, thể hiện một tâm trạng hoảng hốt không yên.