Hỏi ai đợi thì hắn không nói, chỉ đưa tay chỉ lên lầu Dung không hồ hởi lắm, bởi đầu óc đang thất vọng. Nhưng khi mở cửa ra, anh đã phải kêu lên:
- Cô nương!
Cô gái áo hồng đang ngồi ở bàn viết, hí hoáy viết vào tờ giấy trước mặt. Khi nghe Lê Dung kêu, cô ta ngẩng lên và nũng nịu:
- Tưởng phải đợi đến sáng chớ!
Rồi nàng giải thích:
- Lúc tối do có việc quá khẩn cấp nên phải lỗi hẹn. Mong công tử thứ tội.
- Tôi cứ ngỡ cô bận đi dự thi mỹ nữ.
Nàng trố mắt:
- Xấu như vậy có thể dự thi sao?
- Ai bảo cô xấu? Theo tôi, các mỹ nữ dự thi hôm nay còn thua cô rất xa.
Anh móc trong túi áo ra bài thơ đã họa, đưa cho cô nàng:
- Cám ơn đề thơ quá hay.
Cô nàng ôm miệng cười, hỏi hồi lâu mới nói:
- Tự mình họa thơ mình mà lại khen là hay!
Lê Dung trố mắt:
- Cô nói thơ ai?
- Thì của anh chớ còn của ai! Anh không nhớ lúc ngồi uống rượu ở nhà thủy tạ Tây Hồ cách đây ba năm sao?
Lúc ấy Lê Dung mới chợt nhớ:
- Tây Hồ? Phải rồi, tôi có qua đó một lần. Có uống rượu và có đề thơ lên vách. Nhưng quả thật không còn nhớ câu nào.
Cô nàng trách móc:
- Chuyện thơ phú mà còn quên, nói gì đến bạn thơ?
Dung cau mày:
- Bạn thơ?
Nàng nhắc:
- Anh không nhớ ai đã ngâm thơ, thổi sáo lúc anh uống rượu?
Lại một lần nữa, Lê Dung kinh ngạc:
- Thì ra, cô là...
Tuy hỏi vậy chứ Dung không còn nhớ người nào đã thổi sáo đêm đó. Có chăng là bức họa vẽ cảnh một mỹ nhân ngồi trên thuyền thổi sáo dưới ánh trăng. Bức tranh mà sau tiệc rượu đó anh đã mua và đi đâu cũng mang theo. Ngay như đêm nay, anh vẫn mang nó trong hành trang, sở dĩ chưa kịp treo vì mới dọn đến.
Thấy anh chàng tần ngần, cô gái thở dài:
- Chẳng trách được ai, khi người ta có số đào hoa, cứ bước ra nửa bước đã có người đẹp bám theo.
Cô đứng lên, tiện tay đặt lên bàn một tấm giấy được cuốn tròn. Vừa thoạt trông thấy, Dung đã kêu lên:
- Bức họa hoa tiên Thuyền trăng… !
Thì ra đó là bức tranh vẽ cảnh cô gái ngồi trên thuyền thổi sáo dưới ánh trăng mà anh vừa nghĩ tới.
- Sao cô có bức họa này?
Cô ta đưa tay chỉ ra cửa sổ:
- Sở dĩ không đến được cuộc hẹn vì phải đi nhặt nó từ lùm cây bên dưới! Nếu không, gặp trời mưa, đã tan hết rồi còn đâu! Còn gì là một số kiếp...
Nói đến đó, cô nàng bỗng sụt sùi khóc khiến Dung ngạc nhiên:
- Sao cô lại khóc?
Anh bước đến chỗ bức họa, cầm lên xem. Chợt anh giật mình, bởi đúng là bức tranh của anh, nhưng sao lại thiếu cô gái ngồi thổi sáo trên thuyền?
Anh ngước nhìn cô gái ngồi đó, bất chợt anh kêu lên:
- Cô... cô là… là người trong tranh?
Lúc này Lê Dung mới phát hiện ra giữa người trong tranh và cô gái ngồi đây giống nhau như hai giọt nước.
Dung chưa nghĩ hết ý thì bất chợt cô nàng đứng dậy và vút một cái đã mất dạng! Dung ngơ ngác:
- Sao... sao cô lại…
Anh không thấy nàng ta phóng ra cửa, mà cũng chẳng thấy chui đi đâu, vậy sao biến mất? Tự dưng Dung rùng mình.
Anh lẩm bẩm:
- Không lẽ là... là ma?
Lê Dung nghĩ đến những câu chuyện liêu trai, anh bật cười khan:
- Nếu có cô gái liêu trai như thế này mình cũng... cưới làm vợ liền!
Anh chong đèn định thức trắng đêm để đợi cô nàng trở lại. Tuy nhiên, có lẽ quá mệt mỏi, nên chỉ một lúc sau anh đã gục đầu trên bàn ngủ thiếp đi... Khi choàng tỉnh vì nghe mùi khét, Lê Dung giật mình khi thấy cô nàng hồi đêm đang ngồi giữa phòng cầm bức họa và... đốt!
- Kìa, sao cô...
Anh nhảy tới định giằng lại thì nghe nàng nghiêm giọng nói:
- Anh tiếc bức tranh hay người trong tranh?
Dung lắp bắp:
- Tôi... tôi...
Đã tỉnh hẳn. Lúc này trời sáng, nên Lê Dung có dịp nhìn rất rõ người đẹp trước mặt. Cô nàng đẹp hơn bao giờ! Nàng lại đang mỉm cười cực kỳ quyến rũ:
- Nếu anh tiếc bức tranh thì em đi đây, để bức tranh nguyên vẹn lại.
Lê Dung đã thật sự bàng hoàng trước nhan sắc của cô nàng. Anh trở thành con người ngây dại và chỉ biết đứng nhìn nàng say đắm...
Ngày hôm đó, Lê Dung dặn bồi phòng:
- Ta hôm nay người không khỏe nên không ăn uống gì, hãy để ta yên trong phòng, đừng gọi cửa.
Anh đóng chặt cửa phòng lại và bắt đầu nghe cô gái kể chuyện về mình:
- Em không phải là người. Em là ma. Em chết cách đây hơn ba năm. Tức là khi anh đến Tây Hồ thấy bức tranh thì em đã chết được sáu tháng. Hôm ấy em được một nhà danh họa có tông tích bí hiểm, chẳng hiểu từ đâu tới Tây Hồ và ngồi đợi em suốt buổi. Khi gặp được em, ông ta mời em làm mẫu để vẽ tranh. Lúc đầu do thẹn nên em từ chối, nhưng sau đó ông ấy hứa cho em một số tiền thù lao đủ để chữa bệnh cho cha già ở nhà, nên em đồng ý ngồi trên thuyền cho ông ta vẽ. Suốt một đêm thì bức tranh hoàn thành. Nhưng khi hoàn tất thì ông ấy mới nói thật cho em biết rằng: Nếu không lưu lại gương mặt trong tranh thì em sẽ chết ngay ngày hôm đó. Còn khi đã lưu được hình ảnh lên bức họa rồi thì một ngày nào đó sẽ gặp được người đến cứu. Người cứu em chính là người biết giá trị bức tranh và mua đem về...
Cô nàng kể tới đây thì ngừng lại nhìn vào mắt Lê Dung rất trìu mến. Sau cùng nàng nói tiếp:
- Ngay từ khi được anh mua bức tranh thì em đã có tình cảm rồi. Vong hồn em vương vấn bên anh mãi, nhưng chưa mạnh dạn xuất hiện để tỏ bày. Bởi vì em thấy anh quá lãng tử, quá đào hoa, cứ sợ rồi đời em sẽ khổ!
- Còn bây giờ?
- Một khi em đốt bức tranh đi thì mãi mãi em sẽ...
Nghe như chuyện chiêm bao, Lê Dung chưa tin lắm, anh bất ngờ chớp lấy bàn tay nàng. Một luồng hơi ấm truyền sang khiến Dung dễ chịu. Anh nói khẽ:
- Đúng là duyên số rồi!
Câu chuyện của họ nếu có kể cũng chẳng ai tin. Giữa thời buổi này mà có một chuyện tình như liêu trai thế sao?
Nhưng đó là sự thật. Ngay ngày hôm đó, Lê Dung trả phòng trọ. Khi anh bước xuống cùng cô gái thì từ bà chủ trọ cho đến những người phục vụ đều ngẩn ngơ nhìn.
Chẳng ai biết nàng tên họ là gì. Chỉ riêng Lê Dung thì thích gọi nàng là Hoa Tiên.