Kỹ thuật điêu khắc tinh vi, cùng màu sơn y như thật là hai yếu tố rất thích hợp để tạo nên những mô hình siêu nhỏ bằng gỗ khéo léo tuyệt vời. Một người thợ chuyên về đồ thủy tinh đã giúp Tư Dao nhấc ngôi nhà bé xíu ra khỏi quả cầu pha lê. Cho đến giờ, cô vẫn còn nhớ ánh mắt cực kỳ thán phục gần như sùng bái của anh ta. Đặt trong quả cầu pha lê, giữa những "bông tuyết" và "cây cối" thì ngôi nhà này chẳng thấy bắt mắt; nhưng lúc này đặt trên lòng bàn tay cô, nó nghiễm nhiên trở thành một báu vật hiếm có nhất trên đời. Ít ra là người thợ trẻ tuổi ấy đã nói thế! Anh ta còn nói đùa rằng, nếu không vì bản tính nhát gan thì anh ta đã nảy ra ý định "gian tà"!
"Không phải "có ý gian tà" với cô, mà là "có ý" với ngôi nhà bé xíu này!"
"Anh nói hơi quá thì phải? Anh làm về đồ mỹ nghệ, những thứ như thế này anh còn lạ gì?"
"Tôi đã nhìn thấy rất nhiều thứ hay, nhưng cái này lại có chỗ độc đáo của nó. Một bàn tay vàng chế tác cực điêu luyện, lại rất có ý thức về chọn vật liệu nữa. Các đồ mỹ nghệ đặt trong quả cầu pha lê, thường không dùng nguyên liệu bằng gỗ, chủ yếu là vì phải tính đến độ bền. Nhưng nghệ nhân đặt ngôi nhà trong quả cầu này lại dám dùng gỗ để chạm trổ. Gỗ này thuộc nhóm gỗ hồng đàn chỉ ở châu Phi mới có, chất gỗ cực mịn và chắc. Cô thử ngửi mà xem, sẽ thấy mùi đàn hương, đúng chưa? Nước sơn của nó cũng rất đặc biệt, là thứ sơn tổng hợp có thể tồn tại trong bất cứ môi trường nào; nghe nói nó là sản phẩm do một phòng thí nghiệm của một trường đại học ở Mỹ chế tạo, vì quy trình rất phức tạp nên mỗi năm chỉ sản xuất được vài thùng. Tại sao tôi lại biết? Cô có nhìn thấy hai chữ RS bé bằng con kiến ở đáy ngôi nhà không? Dân nhà nghề chúng tôi thoáng nhìn là nhận ra nó là tên một phòng thí nghiệm được viết tắt".
Tư Dao thầm nghĩ Viên Thuyên tài tình đến thế, thật không sao tưởng tượng nổi. Nhưng màu của mái nhà, tường nhà thì lại khác với thực tế. Theo Tử Phóng suy đoán thì sau khi gia đình ông Lý Bá Thụy gặp nạn, công ty địa ốc đã cho làm lại màu của mái nhà, tường nhà, nhằm "tránh tà". Các màu sắc của mô hình này giống hệt màu sắc ngôi nhà của Lý Bá Thụy ngày trước, trong bức ảnh đăng trên trang web của công ty địa ốc. Lý Bá Thụy là một kiến trúc sư danh tiếng trên thế giới, tất nhiên có thể mời các cao thủ làm giúp cái mô hình này.
Nhưng ông ta đã chết từ một năm nay, mình cũng chưa từng nghe nói Viên Thuyên có quen ông ấy. Vậy Viên Thuyên kiếm đâu ra quả cầu pha lê này? Và tại sao lại "của người phúc ta" đem tặng lại cho mình?
Cách giải thích duy nhất vẫn là, Viên Thuyên đang nói với mình rằng tất cả đều liên quan đến ngôi nhà này.
Sự thật về chuỗi ký tự mà Điền Xuyên cho biết - là tên của một văn bản đồ họa kiến trúc, dường như cũng có liên quan đến ngôi nhà này.
Tư Dao lại ngắm nhìn mô hình từ khắp các phía, cô cũng chẳng rõ mình định làm cái gì. Đầu mối thật sự đang nằm trong ngôi nhà bé xíu này cũng nên.
Toàn bộ mô hình là một chỉnh thể, có cửa ra vào và cửa sổ có thể đóng mở, tuy không thể biết bên trong chứa có gì không, trừ phi phải dỡ hẳn nó ra. Cũng có thể không có gì cả, thì tức là phí hoài một thứ đồ mỹ nghệ rất đặc sắc.
Vậy mình nên thế nào? Lại thử gọi điện cho Lâm Nhuận, may ra anh ấy có nhà và sẽ cho mình một vài gợi ý.
Đã qua một ngày gọi điện nhiều lần mà không thấy ai nhấc máy, đã gửi hàng chục bức email mà cũng không thấy hồi âm, Tư Dao cầm điện thoại lên, chẳng hy vọng gì liên lạc được với Lâm Nhuận nhưng thật bất ngờ, người nghe lại là bà mẹ Lâm Nhuận.
"Tạ ơn trời đất, Dao Dao vẫn khỏe! Sao cháu không gọi sớm về đây?"
Tư Dao nghĩ, cháu đã gọi hai ngày rồi mà chẳng thấy ai nhấc máy!
"Thưa bác, vì lo cháu bị hãm hại nên công an đã giữ cháu lại để bảo vệ, cháu đang lo anh Lâm Nhuận và hai bác sốt ruột..."
"Lâm Nhuận biết tin cháu gặp nạn, cứ đùng đùng đòi về Giang Kinh tim cháu nhưng chân thì vẫn chưa khỏi hẳn...Chúng tôi phải cố ngăn, suýt nữa thì phải trói nó lại! Nhưng nó ương quá thể, cho đến ba hôm nay nó đều chống nạng lẻn khỏi nhà, chuẩn bị đi Giang Kinh. Hai lần đi tàu hỏa, một lần đi ô tô, đã đi vài trăm cây số rồi, chúng tôi vẫn quyết đuổi theo bắt quay lại. Cháu thông cảm nhé, hai bác chỉ có mình Lâm Nhuận..."
Tư Dao thấy ấm lòng nhưng cũng băn khoăn, anh ấy nặng tình nhường ấy, liệu mình có phúc để được hưởng không? Mắt cô rơm rớm, đã bao năm nay cô chưa từng có cảm giác hạnh phúc sâu sắc thế này.
"Dạ, cháu rất hiểu tấm lòng của hai bác là bậc cha mẹ. Lúc này anh ấy đang ngủ phải không ạ?"
"Chúng tôi vừa phải đưa Lâm Nhuận đến nhà ông chú rồi. Đó là một vùng quê khó mà chạy xa được, lại có vài người anh em họ canh giữ Lâm Nhuận nữa..."
Mường tượng cái cảnh Lâm Nhuận bị giam lỏng, Tư Dao thấy thương thương nhưng cũng thấy buồn cười. Cô thực lòng không muốn anh trở lại cái chốn Giang Kinh đầy rắc rối này; anh ấy đang bị thương nặng, không thể chịu đựng thêm bất cứ nguy hiểm nào nữa.
Nghe Tư Dao nói rõ mục đích, Trương Sinh nghĩ ngợi rồi nói: "Điều này không phải là quá khó. Khoa của bọn tôi có một thiết bị quét ba chiều, một vị đàn anh chuyên về đồ họa vi tính đã cải tiến, bổ sung một số linh kiện, chắc có thể quét tất cả các chi tiết từ ngoài vào trong, rồi nhập vào máy tính. Bạn cần nó để làm gì?"
Tư Dao mở cái hộp đang cầm trên tay, khéo léo nhấc mô hình ngôi nhà ra: "Anh có nhận ra cái này không?"
Trương Sinh ngẩn người, chăm chú quan sát, rồi kinh ngạc đưa tay chỉnh lại cặp kính: "Nó… nó chính là ngôi nhà mà mấy người đang ở! Nhưng hình như có điểm hơi khác".
"Màu sắc của mái nhà, của bức tường thì khác nhưng nó lại giống như bức ảnh đăng trên mạng. Anh còn nhớ quả cầu pha lê đặt trên bàn của tôi, bên trong có những bông tuyết không?"
"Hôm đó đến nhà bạn, tôi chỉ mải ngắm bạn, nên đâu có nhìn thấy thứ gì khác". Thấy Tư Dao giơ nắm đấm, Tư Dao vội trở lại nghiêm chỉnh: "Đừng, đừng... kẻo rơi hỏng mất! Tôi có nhớ... nó là ngôi nhà trong quả cầu đó à? Sao bạn lại nhấc được ra? Đập vỡ quả cầu à?"
"Làm thế thì vứt! Tôi đã nhờ một cao thủ nhấc được nó ra. Quả cầu đó, trước khi Viên Thuyên gửi EMS cho tôi, gọi là quà mừng nhân dịp dọn về nhà mới; đến nay mới biết nó và chuỗi mã số viết trên phong bì chính là đầu mối cô ấy để lại cho tôi"
"Những ký tự ấy là tên của văn bản đồ họa kiến trúc, còn đây là mô hình căn nhà... thì rõ ràng đầu mối ấy chính là nhà cửa. Tôi đã nói thừa thì phải?"
"Anh đã biết cái bí mật này rồi, thì mối nguy hiểm của anh sẽ càng tăng! Đã thấy hối hận vì quen tôi chưa?"
Trương Sinh cười cười: "Bao giờ tôi bị bắt, rồi bị gái đẹp và tiền bạc cám dỗ, trở thành tên phản bội, tôi sẽ cung khai bạn ra!"
Sau khoảng nửa giờ, Trương Sinh dùng máy quét đa chiều soi xét toàn bộ ngôi nhà từ ngoài vào trong. Máy quét này được kết nối với một "con rệp" nhỏ bằng nửa hạt đỗ - đó là sáng kiến của vị sư huynh của Trương Sinh. Nó là một thứ "mắt đọc" có thể chui vào cửa mô hình, đi dạo khắp ngõ ngách, rọi tia thám sát và tín hiệu về máy quét, rồi nhập vào máy tính.
Tư Dao trầm trồ thán phục cái máy quét tài tình này. Trương Sinh nói: "Vị sư huynh của tôi được gợi ý từ loại máy ảnh siêu mini, đã sáng tạo ra "con rệp" này, anh ấy đang chuẩn bị đăng ký phát minh độc quyền". Trương Sinh ngồi lại trước màn hình, ghép các bản vẽ vừa quét được, mô hình đa chiều của ngôi nhà nhỏ hiện lên trên màn hình.
"Ngôi nhà bé tẹo mà lại có kết cấu phức tạp đến thế này!" Tư Dao nhìn vô số các đường nét đan xen trên màn hình, tán thưởng.
"Để tôi thử nói nhé: đây là cửa vào, đây là phòng khách nhỏ ở sát nó, tiến vào trong là gặp cầu thang, tiêp theo, bên trái là bếp, bên phải là phòng khách lớn. Đi lên hết cầu thang, thì bên trái là phòng khách, đi quá về bên phải là nhà tắm. Đi tiếp nữa, bước lên ba bậc thềm thì là căn phòng kiểu như gác xép mà bạn đang ở".
Trương Sinh di chuyển mũi tên của con chuột, nhích nhích cái bản vẽ đa chiều. "Lạ lùng, quá lạ lùng!"
Tư Dao ngạc nhiên: "Có chuyện gì mà anh sửng sốt khiếp thế?"
"Bạn nhìn đây, theo kết quả mà "Con rệp" thu thập được, thì bức tường ở căn phòng của bạn có một lỗ hổng lớn, hoặc là bị rỗng!"
"Thế sao được? Cho đến sáng nay tường vách ở phòng tôi chưa hề bị tróc một tẹo sơn nào, sao lại có lỗ hổng gì được?"
"Để tôi nhìn lại xem sao... Đúng thế, phía sau bức tường này là rỗng. Thảo nào mà giữa bức tường này và bức tường gian tắm có một khoảng trống khá lớn, dài đến hai mét. Tôi chưa hề học về kiến trúc bao giờ nhưng vẫn cho rằng điều này là không thể chấp nhận! Quá kém cỏi! Một kiến trúc sư được đào tạo hẳn hoi, rất giàu kinh nghiệm như ông Lý Bá Thụy không thể mắc sai lầm sơ đẳng này".
"Ý anh là..."
"Khoảng trống này do ông Thụy thiết kế có dụng ý!"
"Khoảng trống... ý anh nói là giữa phòng tôi và nhà tắm là bức tường kép?"
"Đúng thế! Tường kép. Tôi định nói cái từ này! Giữa phòng bạn ở và nhà tắm là bức tường kép. Căn cứ vào bản vẽ này thì lối vào cái khoảng trống đó ở ngay trên bức tường trong căn phòng của bạn".