Không có tinh thần để dạy học khi chị em Kiều và Diễm đang trong cơn khủng hoảng bởi biến cố của gia đình. Tuyền lẳng lặng bỏ ra về với nỗi ưu tư nặng nề. Làm gì để giết khoảng thời gian trống trải này chứ? Chẳng lẽ lại tìm đến nhà Sinh khi vừa gặp mặt anh. Hay về nhà ngủ một giấc hoặc rủ nhỏ Tú bày trò chơi gì đó cho vui. Nghĩ tới nghĩ lui, Tuyền lại thấy không thích nên để đôi chân thơ thẩn theo con đường mòn dẫn đến một nơi mà cô chưa hề đặt chân tới. Đó là khu nghĩa trang, có thể do dân địa phương tại đây thành lập nên không được rộng rãi cho lắm! Với khoảng vài chục ngôi mộ đã đắp nhưng lúp xúp vì toàn là mộ đất, chỉ duy có một ngôi được xây cất khá công phu song nằm mãi tít đằng kia.
Thoạt đầu thấy nơi này hoang vắng, Tuyền có ý ngần ngại, song không hiểu động lực nào thúc đẩy cô đã tỏ ra bạo dạn hơn. Chợt một cái đầu lấp ló từ bụi cỏ lau làm cho cô hoảng kinh toan chạy thì nghe gọi:
- Cháu Tuyền... tôi đây mà...
Tuyền dừng chân ngoái đầu lại thì nhận ra ôngThành Đạt. Ông đưa tay vẫy cô:
- Lại đây.
Tuyền bước tới như người bị sai khiến:
- Ông đi đâu mà để anh Sinh tìm suốt cả đêm hôm qua?
Ông Thành Đạt ủ dột:
- Ta đi đào mồ của ta lên coi xương cốt có còn không.
Cảm giác rờn rợn của Tuyền nổi lên theo câu nói của ông. Cô thấy hơi hốt hận vì đã dám mạo hiểm. Ông Thành Đạt nói tiếp:
- Cháu có thể giúp ta không?
Nhiệt tình của Tuyền không dám xuất hiện trong lúc này. Cô mạnh dạn lắc đầu:
- Thưa... không được ạ!
- Vì sao vậy?
Tuyền cố kiếm cớ để thoái thác. Cô nhớ đến chuyện của bà Thành Danh:
- Ông không biết đó thôi. Ở ngôi biệt thự Thành Danh đang xảy ra sự cố nghiêm trọng lắm.
Câu nói này làm ông Thành Đạt phải tạm dừng ý nghĩ điên khùng của mình. Ông hỏi dồn:
- Lại có điều gì nghiêm trọng trong lúc này?
Tuyền nói nhanh như sợ không có cơ hội nói:
- Đêm qua bà Thành Danh đã bị ông ấy hành hạ. Hiện giờ bà ta đang bị nhốt trong phòng riêng.
Đúng là một cái tin giật gân khiến ông Thành Đạt phải chết lặng hồi lâu mới trấn tĩnh lại được:
- Tại sao Thành Danh lại phải làm thế nhỉ? Chẳng lẽ vì sự sống của ta mà nó lại làm khổ người đàn bà mà nó đã cố tình chiếm đoạt sao?
Tuyền xen vào:
- Chắc tại bà Thành Danh truy cứu ông ta chuyện ngày xưa.
Từ đáy lòng ông Thành Đạt nỗi đau đớn bùng dậy. Ôi... một bên là tình máu mủ, một bên nghĩa vợ chồng. Giá mà ngày ấy ông chết quách dưới chân đèo thì còn hay hơn là phải sống để đối diện với sự thật hôm nay.
- Đi...
Nghe câu nói cụt ngủn, Tuyền chẳng hiểu ất giáp gì. Cô bèn hỏi:
- Đi đâu cơ?
Ông Thành Đạt cáu gắt:
- Đến biệt thự Thành Danh...
- Để cứu bà ấy ư?
- Cứ cho là như vậy. Còn nhiều điều cần giải quyết ở đó nữa.
Tuyền thấp thỏm trong lòng:
- Có một mình ông đến đó e không còn đường để sống.
Ông Thành Đạt gằn giọng:
- Lẽ nào ta lại để người ra giết mình lần thứ hai sao? Mà cảm giác bị chết ta đã từng quen rồi, sẽ không đau nữa đâu.
Tuyền cố giữ chân ông Thành Đạt bằng cách ngăn cản:
- Nếu muốn đến biệt thự Thành Danh thì ông nên về nhà cùng đi với anh Sinh.
Song ông Thành Đạt lại phản đối:
- Kéo nó vào chuyện này làm chi cho rắc rối. Cứ để ta đến đó một mình.
Bguy anh có biết hay không?
Anh bảo cô:
- Chúng mình phải đi ngay.
Và chỉ trong một giây, anh đã buộc miệng thốt:
- Tại sao chúng ta không lôi kéo cánh công nhân đang làm việc trên đồi trà vào cuộc nhỉ? Dù có là cọp cũng không dám ăn thịt người trước cả một đám đông.
Nghe thấy vậy, Tuyền bèn đẩy vai Sinh:
- Anh đi đi, để em tới biệt thự Thành Danh xem sao!
° ° °
Ánh nắng mặt trời đầu tiên chiếu vào phòng nhưng bà Thành Danh vẫn nằm im, mặc dù bà thức giấc đã lâu. Bởi lẽ trận đòn đêm qua làm toàn thân bà bị sưng tấy lên nhiều chỗ, nhức nhối không thể tả. "Cộc... cộc... cộc...", bà Thành Danh nhổm đầu dậy, ánh mắt láo liên. Bà chợt trông thấy một mảnh giấy đang luồn qua khe cửa bèn cố lết lại để lấy. Mở ra coi, bà nhận ra nét chữ của con gái. Lướt mắt trên tờ giấy, bà Thành Danh đọc nhỏ: "Má đã bớt đau chưa? Có cần chúng con giúp đỡ gì không? Ba đã đi từ sớm... má đừng sợ. Hãy chỉ cho chúng con cách cứu má ra bên ngoài...". Nước mắt bà Thành Danh ứa ra vì thương cho hai đứa con gái. Giá mà chúng nói được bằng lời thì bà sẽ xúc động biết dường nào. Dùng hai tay gạt những giọt nước mắt rồi lấy sức đứng lên. Bà Thành Danh ghé miệng qua khe hở nói lớn:
- Kiều, Diễm... các con của má... các con đừng mạo hiểm kẻo bị trừng phạt nặng nề đấy!
Một tờ giấy nữa được nhét vào phòng, và bà Thành Danh đã đón đọc: "Má... anh Thành Đạt không có ở xa chúng ta đâu. Nếu má muốn, tụi con sẽ đưa má đến... Nhưng trước tiên má phải ra khỏi căn phòng này". Quả là một sự kinh ngạc khôn cùng, hai con bé này đã biết chỗ ở của anh nó bấy lâu nay... vậy mà nó lại kín miệng không chịu nói. Chắc bây giờ thằng Thành Đạt đã lớn, nó có thừa sức bảo vệ mẹ và em gái trước bạo lực xảy ra từ phía nào. Nghĩ tới đó, bà Thành Danh như được tăng thêm sức lực, bắt đầu tìm cách để thoát thân. Bà cố hét lên để hai đứa con gái bên ngoài nghe thấy:
- Hãy mau đi kiếm một cái thang dựng ngay cửa sổ phía bên trái căn phòng của má, má sẽ cố gắng trèo ra...
Ở trong phòng, bà Thành Danh không thể hiểu hết nỗi khó khăn của chị em Kiều, Diễm trước một sự việc mà chúng chưa từng làm. Là con gái chân yếu tay mềm, lại không nói dược, chỉ làm hiệu cho nhau, giờ phải đối mặt với những tình cảnh nghiệt ngã thế này thật khó mà chấp nhận. Không hiểu có phải do tình mẫu tử quá lớn hay còn nguyên nhân nào khác nữa đã khiến hai cô bé mạnh mẽ lên trong công việc đưa mẹ thoát khỏi căn phòng giam. Kiều và Diễm kéo nhau chạy xuống nhà kho để kiếm thang, nhưng nó quá dài và nặng, cả hai không tài nào khiêng đi nổi. Hì hục rồi kéo thêm cả chị giúp việc, mất cả tiếng đồng hồ họ mới dựng được cái thang vào đúng chỗ bà Thành Danh yêu cầu, song nó lại thấp hơn cửa sổ cả một quãng dài...
Đã mở được cửa sổ, nhưng từ trên cao nhìn xuống bà Thành Danh cũng phát ớn. Bà cảm thấy lỡ trượt chân rơi xuống thì cái chết sẽ cầm chắc trong tay. Mà nếu gặp may sống sót cũng què quặt chứ không thể an toàn. Ôi... thế thì sẽ khổ lắm! Làm một người tàn tật thà chết quách còn hơn. Hình ảnh người chồng cũ bỗng hiện ra trong tâm não bà Thành Danh. Tội quá... thương quá... nhưng ông vẫn phải sống dù ao ước được ngủ yên vĩnh viễn. Lại thêm ít phút mủi lòng, bà Thành Danh chần chừ mãi trên khung cửa sổ cao, cho đến khi chị giúp việc sốt ruột vì sợ ông chủ mình quay về, luôn miệng hối thúc thì bà mới thu hết can đảm để trèo xuống. Không riêng gì trái tim của bà Thành Danh muốn bắn ra khỏi ngực mà những người bên dưới cũng hồi hộp lo sợ giống như bà. Họ nín thở theo từng cái nhích chân của bà Thành Danh trên bậc thang, và cùng thở phào nhẹ nhõm khi bà đã xuống thật thấp:
- Ôi... đã thoát...!
Tiếng reo đầu tiên của ai đó vang lên trong số bốn người đang có mặt nghe ngồ ngộ như trẻ em vừa tập nói làm bà Thành Danh ngơ ngác. Bà nhìn chị giúp việc khi vừa đặt chân xuống mặt đất:
- Chị...
Song chị giúp việc cững kinh ngạc nhìn lại bà. Bốn mắt nhìn sững nhau rồi mỗi người cùng quay đi một phía. Bà Thành Danh chọn Kiều, còn chị giúp việc thì trỏ tay vào bé Diễm đồng thanh hỏi:
- Ai vừa nói?
Kiều mấp máy bờ môi:
- C...on...
Sự bất ngờ đến đột ngột làm bà Thành Danh há hốc mồm. Bà lắp bắp giống con gái:
- Trời... ơ...ơi... con... nói... được... rồi... sao?
Cô bé Diễm cũng bắt chước chị tạo ra sự kiện lạ:
- Má... m...má...
Bà Thành Danh có cảm giác mình đang bay bổng lên trời vì niềm vui quá đỗi lớn lao. Bà dang tay ôm cả hai đứa con gái, miệng cười mà mắt đẫm lệ:
- Ôi... tôi hạnh phúc quá!
Nép đầu trong ngực mẹ, hai cô bé cũng bật khóc. Nhưng có lẽ đây là nước mắt vui sướng của những tâm hồn vừa được tái sinh. Bà Thành Danh yêu cầu con:
- Hãy lặp lại lần nữa cho má nghe đi Diễm, Kiều.
Diễm giành nói song phát âm thật chậm:
- Con... hết bị... câm rồi...
Kiều tiếp luôn:
- Tụi con không nói được là tại ba cấm...
- Tại sao ông ấy lại cấm? - Bà Thành Danh trố mắt.
Cả hai đứa đều lắc đầu, dáng vẻ đầy sợ sệt. Thấy vậy, bà Thành Danh vội dỗ dành:
- Nói đi con. Chỉ mình má nghe thôi mà.
Song chúng không chịu mở miệng thêm, mỗi đứa nắm một bên tay lôi bà Thành Danh chạy về hướng ngôi biệt thự cũ.
° ° °
Mẹ con bà Thành Danh đến được ngôi biệt thự cũ vào lúc gần mười một giờ trưa, khi vú Dần đã nấu xong bữa cơm đang chuẩn bị dọn lên bàn. Trông thấy họ, vú cười tươi:
- Tiếc quá... bà tới chơi, cô Hai tôi lại không có ở nhà.
Bà Thành Danh không quan tâm tới điều này, chỉ nhếch môi đáp rồi quay sang hỏi lại đứa con:
- Lúc nãy các con bảo anh Đạt con đang ở đâu? Chẳng lẽ nó lại trốn má trong ngôi nhà này?
Con bé Diễm bỗng gật đầu, chỉ tay vào phòng khách:
- Trong đó!
Kiều cũng nói:
- Phải!
Bà Thành Danh lay mạnh các con, vẻ mặt như vẫn không tin:
- Đừng đùa với má như vậy chứ. Căn phòng này trống trải, nó nấp chỗ nào?
Kiều và Diễm chạy ào vào giữa phòng rồi cả hai cùng giậm chân của mình xuống nền gạch, cử chỉ thật ngộ nghĩnh và khó hiểu. Vú Dần không biết ất giáp gì cũng vào cuộc:
- Ủa, bà và các cô tính tìm chi chỗ này?
Không muốn giải thích dông dài, bà Thành Danh vắn tắt:
- Tôi tìm thằng con trai của tôi.
Vú Dần càng ngạc nhiên hơn nữa:
- Không hề có người lạ nào đến đây cả.
Rồi vú chau vầng trán đã có nhiều nếp nhăn như nhớ điều gì:
- À, đêm qua khu vực quanh nhà này bị người ta theo dõi.
Bà Thành Danh sợ vú Dần làm lạc mất ý định chính của mình, vội gắt:
- Chuyện đó để bàn luận sau đi. Tôi đang bận tìm tung tích của con tôi, mong vú đừng có hỏi...
Cụt hứng, vú Dần bèn đứng nép một bên giương mắt, lên theo dõi. Nhưng sự thắc mắc của vú không lâu khi cô bé Kiều lên tiếng:
- Đúng chỗ này nè má.
Mặt bà Thành Danh bỗng trở nên xám ngắt:
- Con nói thế nghĩa là sao?
Diễm đáp thay cho Kiều:
- Ảnh bị ba bóp cổ chết rồi chôn xuống chỗ này.
Vừa thoạt nghe, bà Thành Danh đã không còn sức đứng vững trên đôi chân. Bà khuỵu xuống, miệng lưỡi cứng đờ... Con bé Diễm vừa nói gì mà bà không nghe rõ. Dường như nó đang đùa thì phải? Toàn thân bà Thành Danh lạnh toát rồi run lên. Bà có cảm tưởng mình bị nhét vào giữa một tảng băng và những mạch máu lưu thông đang đông đặc, không còn hơi nóng của một người đang sống, Thành Đạt... Thành Đạt... đứa con trai khốn khổ của mẹ!
Không hiểu âm thanh của tiếng gọi có thoát ra bên ngoài không mà người vừa đến đã nghe thấy:
- Tôi đây... Tố Lan...
Đó là ông Thành Đạt, ông tức thời bị người vợ cũ ôm chầm. Bà rên rỉ thảm thiết:
- Hết... hết rồi... con... con... của chúng ta...
Ông Thành Đạt hỏi tới:
- Nó đâu?
Bà Thành Danh lắc đầu, điệu bộ thẫn thờ:
- Nó đâu?
- Tôi đang hỏi em mà.
Bà Thành Danh nhìn xuống nền gạch, nói lắp bắp:
- Nó đó!
- Sao tôi không nhìn thấy?
- Bởi nó đã... ngủ giấc ngàn thu rồi còn đâu...
Giọng bà Thành Danh nấc lên rồi vỡ òa theo câu nói sau cùng. Bà rũ xuống tựa một thân cây bị đốn gãy phải đoạn tuyệt với sự sống. Nhưng ông Thành Đạt đã không chịu để bà yên, gào thét lên:
- Em nói sao? Thằng con tôi ngủ giấc ngàn thu là thế nào?
Bà Thành Danh không cất nổi tiếng nói mà bất thần nhìn thẳng về phía trước một cách vô thức. Hồi lâu, bà bị ông Thành Đạt buộc phải trả lời:
- Em nói đi. Em không phải là một người mẹ tồi tệ chứ?
Bà Thành Danh khóc rưng rức:
- Em không biết... không tự khẳng định được.
- Thôi đừng dông dài nữa. Tôi chỉ cần em nói một câu là thằng con của tôi đang ở đâu?
- Không biết mà...
Trong lúc bà Thành Danh vật vã vì không dám nhìn thẳng vào sự thật thì hai cô bé Kiều, Diễm lại có đủ bình tĩnh. Chúng bước ra đứng chắn trước mặt mẹ như không muốn ông Thành Đạt làm khó bà. Nhỏ Kiều hơi hất mặt:
- Mà tôi không biết thật. Chuyện này chỉ có hai chị em tôi là chứng kiến tỏ tường thôi.
Diễm tiếp lời khi thấy Kiều có vẻ mệt khi phải phát âm dài:
- Hồi đó... chị em tôi còn nhỏ xíu... cỡ chừng này...
Vừa nói, Diễm vừa đưa tay ngang tầm ngực để diễn tả, và cô bé thật sự làm mọi người xúc động qua cách kể thật chậm rãi của mình:
- Hôm ấy... má tôi có việc phải về thành phố mấy ngày, để ba anh em chúng tôi ở nhà với một bà giúp việc đã lớn tuổi. Ngày đầu không có gì xảy ra cả, nhưng chẳng hiểu sao ba tôi lại cho bà giúp việc nghỉ làm. Ngày hôm sau thì chính ba tôi phải tự nấu ăn và săn sóc chúng tôi, vì trong nhà chẳng còn ai.
Kiều chen vào tường thuật tiếp:
- Tối đó... sau khi ăn uống xong, ba tôi bắt chị em tôi đi ngủ sớm, còn anh Thành Đạt thì ba tôi giữ lại để kiểm tra bài vở. Vì để quên con búp bê nơi phòng khách nên đã vào phòng lâu rồi mà chị em tôi không ngủ được, bèn rủ nhau trở ra lấy. Nhưng thật là khủng khiếp, ló đầu ra phòng khách chúng tôi thấy ba tôi đang bóp cổ anh Đạt...
- Trời khốn nạn quá...
Tiếng kêu của ông Thành Đạt làm cô bé phải tạm dừng câu chuyện, ngơ ngác nhìn lúc này trong nhà có thêm nhiều người xuất hiện, nhưng thấy họ là những công nhân vườn trà nên chị em Kiều Diễm không hoảng sợ. Chúng cố nhớ lại mọi chi tiết đã qua rồi thay phiên nhau nói:
- Ông đừng có ngắt lời... để chị em tôi kể xong đã... Chứng kiến cảnh ba tôi giết anh Đạt, chị em tôi sợ hãi đến độ không nhúc nhích hay la hét gì nổi. Cứ nhớ lại hình ảnh anh Đạt giãy giụa, đôi tay chới với, hai mắt trợn ngược, miệng há hốc rồi sau đó duỗi thẳng buông xuôi mà tới giờ này chị em tôi vẫn còn bị ám ảnh.
- Câm miệng...
Chặn đứng câu chuyện của chị em Kiều, Diễm lúc này không phải ông Thành Đạt mà là ông Thành Danh. Ông ta xuất hiện đột ngột nhưng không làm ai sợ, ngoại trừ hai đứa con gái của ông ta. Ông Thành Danh xông tới tát thẳng tay vào mặt chị em Kiều, Diễm rồi quát mắng:
- Đồ khốn kiếp... Tụi bay là con tao hay con của bọn bá vơ kia mà ăn nói lung tung như thế? Khôn hồn thì câm trở lại như xưa đi.
Mặc dù hai cô bé Kiều và Diễm đang co rúm người lại vì bị đánh, Sinh và Tuyền vẫn bước tới động viên:
- Đừng sợ... cứ nói hết đi các em. Phải chăng bấy lâu nay các em biến thành người câm là vì bị sức ép của người cha tàn bạo?
Ông Thành Danh to tiếng không để cho hai đứa con gái kịp mở miệng. Ông trừng mắt về phía chúng:
- Hừm... tụi bay mà phát ngôn bừa bãi tao cắt lưỡi.
Rồi quay qua phía Sinh và Tuyền, ông gầm lên:
- Thì ra bọn chúng mày cấu kết với nhau để hại ta à? Rõ là nuôi ong tay áo mà...
Song ông Thành Đạt đã đứng ra đính chính cho những người vì ông, ông chỉ tay vào mặt thằng em trai đốn mạt:
- Không phải nuôi ong tay áo đâu, mà là sự trừng phạt của ông trời đó Thành Danh.
Sự trùng phùng này gây tác động khá mạnh mẽ. Ông Thành Danh phải lùi lại mấy bước chứ không dám đứng gần khiến ông Thành Đạt cả cười:
- Mày không nhận ra tao à?
- Ô... ông... - Ông Thành Danh lắp bắp.
- Anh trai của mày nè. Chẳng lẽ tao còn sống trở về mà mày không tỏ thái độ mừng rỡ chút nào sao?
Nhưng chỉ chấn động tâm lý một chút thôi, ông Thành Danh đã lấy lại tư thế ngay tức thì. Ông quắc mắt nhìn tất cả mọi người:
- Định bày trò gì ra thế này?
Sinh lên tiếng:
- Lật lại vụ án năm xưa để đem đứa em bất nghĩa giết anh ra trước vành móng ngựa...