Sinh ra và lớn lên ở một nơi đầy rẫy huyền thoại như cái xóm Chuồng Trâu, người ta không tin ma, không sợ ma mới là chuyện lạ. Trước nhà tôi có trồng một cây dừa bị. Cây dừa không ngọt nước bằng dừa xiêm nhưng trái to, có quanh năm. Ngọn dừa cao quá nóc nhà. Lũ nhóc trong xóm thường kháo nhau cây dừa có ma. Chúng nó kể bà Tư quán ở xóm trong có việc đi về khuya, ngang qua cây dừa, bà thấy có một quả cầu lửa cháy nhờ nhờ như lửa ma trơi. Cầu lửa bay qua bay lại như múa, đáp từ tàu dừa này qua tàu dừa khác rồi sau đó vót qua đậu trên ngọn tre của nhà chú Năm Bừa đốI diện. Sợ đến ríu chân, bà ngồi thụp xuống mà niệm Phật. Giây lâu mở mắt nhìn lên, không thấy gì nữa bà mới bươn bả về nhà…
Không biết câu chuyện có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng gia đình tôi ở đó lâu rồi không hề thấy có con ma nào hết trơn. Cho đến năm 1979, ba tôi bán nhà cho bà Hai Nhà in và dọn nhà đi chỗ khác ở mới có sự lạ xảy ra.
Một buổi trưa tháng Hai, bầu trời đang nắng gắt. Mây đen bỗng kéo tới đầy trời. Ai nấy còn đương ngạc nhiên vì cơn mưa trái mùa thì … RẦM… một tiếng nổ long trời lở đất, cây dừa bị trời đánh tét ngọn ra thành ba miếng, khói bốc mù mịt. Cả xóm thất kinh hồn vía, bà Hai Hụi ở sát nhà tôi lật đật lấy nhang ra đốt, sì sụp vái lạy. Nghe mọi người kể, tôi cũng tức tốc trở về nhà cũ để xem, cây dừa cháy đen cả ngọn. Phần trên bị tét loe ra trông thê thảm làm tôi bần thần cả người. Hổng lẽ cây dừa này có quỷ thật. Nếu không thì làm sao bị trời đánh chứ… cho đến giờ câu hỏi của tôi vẫn chưa có lời giải đáp thích đáng. Ba tháng sau sự việc sét đánh, bà Hai nhà in đột ngột phát bệnh. Căn bệnh kéo dài hai năm rồi bà Hai qua đời. Bác sĩ nói bà bị bệnh ung thư, bà con trong xóm lại đồn đãi vì mua nhà tôi nên bị xui xẻo…
Trở lại chuyện tôi, càng nghe kể nhiều chuyện ma thì tôi lại càng … sợ ma kinh khủng. Đã vậy, tôi còn mê đọc truyện tranh “Con quỷ truyền kiếp” nên óc tưởng tượng của tôi lại càng phong phú hơn. Mỗi tối, sau khi cắp rỗ bánh qui, bánh ít đi bán dạo về, tôi thường ngồi lì ngoài đầu hẻm. Nhìn vô con hẻm tối thui sâu hun hút hai bên tre mọc uốn oằn xuống như hang động, tôi sợ teo cả người. Khi nào có một người lớn đi vào, tôi mới thừa cơ hội đi theo. Những hôm xui xẻo chờ cả tiếng đồng hồ không có ai vô, tôi đành liều vô đại. Cắp chặt rỗ bánh trong tay, lần từng bước chậm chạp vào hẻm, tôi có cảm giác con hẻm giống như cái miệng của con quỷ truyền kiếp khổng lồ đang há to nuốt tôi vào dần. Vừa khuất chỗ đèn sáng, tôi cắm đầu chạy một mạch bất kể trời đất, vừa chạy vừa niệm Phật vang trời. Vô được trong nhà rồi, tôi thở ào ào như trâu, tưởng chừng như mới vượt qua thử thách gì ghê gớm lắm.
Sau này lớn lên, tôi phải thật lòng cảm ơn cái xóm Chuồng Trâu cùng mấy con ma trong những câu chuyện phiếm của bà con. Nhờ sợ ma mà tôi tin Phật, tin vào đạo thuật - một niềm tin chắc chắn và dai dẳng không có gì lay chuyển được.
Tôi nhớ, có dạo bà dì của tôi đi núi mang về ba bức tượng Phật dùng để đeo. Tôi nằng nặc xin cho bằng được một bức rồi dùng chỉ đỏ xỏ qua đeo vào. Pho tượng nhỏ xíu bằng nhựa đem lại cho tôi sự tự tin ghê gớm. Tôi đi ra đi vào con hẻm không phải chạy ào ào nữa. Từng bước vững vàng, tay nắm chặt lấy tượng Phật, miệng không ngừng niệm Phật. Sau này, coi tuồng Na Tra đại náo Thuỷ Cung, thấy mấy ông tiên cầm cây phất trần “Hô biến, Hô thâu”, thích quá tôi liền kiếm dây nilon tước ra cột vào đầu đũa làm thành cây phất trần mini làm pháp bảo hộ mạng. Từ đó, cây phất trần và bức tượng nhỏ trở thành vật bất ly thân của tôi, lúc đi học, đi bán, đi ngủ cho đến cả lúc đi… nhà xí (!).