Mùa đông năm 1970, tôi và đồng đội là anh Đô, cùng nữ cán bộ thăm dò địa chất là cô Lạc Ninh thoát khỏi vực sâu chết chóc là nhờ đội tuần tra của binh trạm cứu sống. Nhiệt độ dưới lòng đất và trên mặt đất chênh lệch quá lớn khiến chúng tôi đều sốt cao hôn mê bất tỉnh, rồi được đưa vào quân y viện của phân khu.
Bệnh tình của Lạc Ninh ngày càng xấu đi, ngày thứ ba buộc phải chuyển viện, sau đó thế nào tôi không rõ, cũng không biết tin tức gì về cô ấy nữa. Tôi và anh Đô chỉ sốt cao hai hôm, truyền dịch vài hôm, ăn vài bữa cơm bệnh viện rồi bình phục.
Nằm viện đến ngày thứ sáu thì có anh Từ là cán sự Ban tuyên truyền sư đoàn đến tìm chúng tôi. Anh nói, từ khi sư đoàn vào núi Côn Luân, có tôi và anh Đô là hai người đầu tiên lập công hạng ba, nên muốn chụp ảnh để về tuyên truyền trong phạm vi sư đoàn nhắm khích lệ tinh thần cách mạng của các chiến sĩ.
Bấy giờ tâm trạng của tôi không được tốt lắm, chỉ mong sớm được ra viện. Cả tiểu đội chỉ còn hai chúng tôi sống sót, muốn sớm trở về đại đội để tránh phải hằng ngày nằm trên giường hễ nhắm mắt là lại chập chờn hiền ra bóng dáng các đồng đội đã hy sinh.
Cán sự Từ nói chủ lực của sư đoàn chúng tôi sắp đi vào núi Côn Luân, anh chụp ảnh chúng tôi xong sẽ đi đến ngay binh trạm ở suối Bất Động tìm đội tiền trạm.
Nghe nói sẽ đi suối Bất Động, tôi lập tức phấn chấn, vì đại đội tôi chính là đội tiền trạm của sư đoàn, tôi bèn bàn với anh Từ để anh nói với bệnh viện trả sớm hai chúng tôi trở lại dòng thác đấu tranh cách mạng.
Anh Từ rất thông cảm, ngay hôm đó cả ba chúng tôi lên xe tải chở quân nhu cho binh trạm, theo đường quốc lộ tiến vào núi Côn Luân. Nửa đường bỗng có tuyết rơi, khắp bầu trời là mây đen, tuyết lơn rơi lả tả, bạt ngàn trắng xóa.
Trên đời này chẳng có nghề nào mạo hiểm hơn nghề lái xe trên hai con đường Thanh Tạng và Xuyên Tạng. Tiếng xích chống trơn trượt nghe mà kinh hãi, tiếng vải bạt và lá cờ cắm trước mũi xe đánh gió phần phật, gió lạnh cắt da luồn vào xe khiến chúng tôi không thể không ngồi cụm lại với nhau cho ấm, nước trong bi đông bị đóng băng, hai hàm răng va nhau lập cập, khó khăn lắm mới về đến suối Bất Động, chúng tôi lập tức chạy vào ngồi vây lấy lò lửa để sưởi ấm.
Anh Từ là người miền Nam, vóc người và thể chất có thể nói là tạm được nhưng so với lính đại đội cơ sở chúng tôi, anh vẫn hơi mảnh khảnh. Nhưng cũng như đại đa số thanh niên thời kỳ đó, trong dòng máu anh luôn rạo rực một động lực kỳ lạ, chúng tôi mới hơi âm ấm một chút, anh đã hoắng lên thu xếp chụp ảnh cho tôi và anh Đô.
Chúng tôi nhờ anh nói hộ mới về được binh trạm, nên chỉ còn cách nghe theo anh sắp xếp. Tôi lấy cuốn Mao tuyển ra, đứng bên lò lửa làm bộ đang say sưa đọc. Anh Từ bấm máy, đèn chớp một cái khiến tôi loá mắt suýt đánh rơi cả sách vào lò lửa.
Anh Từ nói: "Đồng chí Nhất ạ, chưa cần tráng phim in ra ảnh, với kinh nghiệm của minh, tôi dám khẳng định bức ảnh này cực đẹp, vì vẻ mặt đồng chí khi đọc trước tác của Mao chủ tịch rất chăm chú."
Tôi vội khiêm tốn nói: "Tôi ấy à, hễ mà cứ học tập Mao chủ tịch thì chẳng nhớ mình là ai đâu, hoàn toàn quên mất là mình đang chụp ảnh ấy chứ. Ẳnh đẹp là do kỹ thuật chụp của anh mới đúng."
Anh Đô đứng bên cạnh nói: "Tư thế của anh Nhất quả thực quá chuẩn, tôi cũng bắt chước anh ấy là chuẩn rồi, mai kia ra thông báo, anh Từ cũng cho chúng tôi lời nhận xét là "chăm chỉ cần cù" nhé?"
Anh Từ cười: "Thế không hợp, mấy chữ này người khác đã dùng rồi, còn cụm từ "quên ăn quên ngủ" là dùng để hình dung đồng chí Lôi Phong, theo tôi, hai anh nên lấy mấy chữ "miệt mài chăm chú" đi, được không?"
Đang nói chuyện thì đại đội trưởng của chúng tôi trở về. Anh quê ở Tứ Xuyên, là lính kỳ cựu. Nghe nói cả tiểu đội chỉ còn hai chúng tôi sống sót trở về đơn vị, anh bèn đội cả gió tuyết về đây. Tôi và anh Đô vội đứng nghiêm chào.
Đại đội trưởng thụi cho chúng tôi mấy quả vào ngực, nói: "Trở về là tốt rồi, tiếc là, chỉ đạo viên và các đồng chí kia... thôi... không nói nữa. Hai cậu mau đi ăn cơm đi. Tổ cụ nó, lát còn nhiệm vụ khẩn cấp nữa chứ." Nói xong, anh vội quay người ra luôn.
Tôi, anh Đô và cả cán sự Từ nghe nói có nhiệm vụ khẩn cấp, lại thấy đại đội trưởng vội vã như thế, biết là đã xảy ra chuyện gì đó, nhưng lúc này không tiện dò hỏi, đành khẩn trương đi ăn cơm. Khi đang ăn mới nhận ra rằng đa số chiến sĩ đội tiền trạm đều không có ở đây, thì ra là tiếp sau chúng tôi, đội tiền trạm đã lại chia nhỏ thành vài phân đội vào núi Côn Luân. Binh tram suối Bất Đông hiện giờ trống vắng, chẳng còn lại mấy người.
Tôi cảm thấy bầu không khí có nét căng thẳng, bèn hỏi thông tin viên Trần Tinh xem chuyện là thế nào. Thì ra cách đây ba ngày, quả núi gần đây lại có dư chấn động đất. Ban đầu là hai người dân chăn nuôi gia súc đã vào chùa Đại Phượng Hoàng bỏ hoang trên núi để tránh tuyết, động đất khiến bò của họ sợ hãi cũng chạy cả vào trong chùa. Sau chùa có một cái hồ nước thối hình như hồ này cũng như suối Bất Đông, vào mùa đông, nước không đóng băng. Hai người chăn bò ấy đã chính mắt nhìn thấy một cánh tay to mọc đầy lông xanh thò lên từ dưới hồ tóm lấy con bò Yak Tây Tạng kéo xuống. Cả hai vội chạy đến để cứu con vật, nhưng khi kéo được lên thì con bò đã biến thành... đống thịt khô. Chỉ trước sau mấy phút, con sót lại cũng chỉ còn bộ da và thịt khô. Bà con chăn nuôi sợ quá, cho rằng có ma, bèn đi báo cáo bộ đội.
Chuyện của người dân chăn nuôi, quân giải phóng không thể không quan tâm. Cấp trên bèn tập hợp những nhân lực cơ động thành một đội hỗn hợp, do hai người kia dẫn đến chùa Đại Phượng Hoàng để xem xem cái gì đã phá hoạn nền tảng của chủ nghĩa xã hôi. Hồi đó đang có phong trào rầm rộ đi săn chó sói, tất cả các động vật có hại cho dân chăn nuôi đều trong diện bị săn bắn.
Nhưng các chiến sĩ này, kể cả hai người dân, đã đi hai ngày hai đêm mà không rõ sống chết thế nào, thông tin hoàn toàn gián đoạn. Binh trạm suối Bất Đông bèn báo cáo lên cấp trên. Cấp trên rất coi trọng việc này nên đã ra chỉ thị, ý rằng chủ nghĩa đế quốc không từ bỏ dã tâm tiêu diệt chúng ta, tình hình đấu tranh giai cấp rất phức tạp, rất có thể hai người dân chăn nuôi kia đã báo cáo láo chứ thực ra chúng là bọn đặc vụ, đặc biệt là nhiệm vụ của đội tiền trạm ở núi Côn Luân này lại hết sức mẫn cảm, cho nên phải lập tức cử bộ đội đi tiếp ứng ngay.
Ở binh trạm chẳng còn mấy người, hơn nữa vẫn cần để lại một số người trông coi vật tư, các binh trạm khác lại ở quá xa, trong thời gian ngắn khó có thể tiếp ứng. Nhưng quân lệnh như sơn, nhất thiết phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên, đại đội trưởng không còn cách nào khác đành cử một người gác thay hai người, trong đó có cả đại đội trưởng, vậy là gom được ba người, thêm tôi và anh Đô, cán sự Từ và một lính công binh xung phong đi bắt đặc vụ, lại có một nhân viên địa chất phản xạ nhanh nhậy cũng tham gia, tổng cộng tám người. Tuy vẫn cảm thấy lực lượng quá mỏng nhưng liệu còn cách nào khắc? Không thể chờ các đơn vị khác tăng viện được, đành cứ thế mà xuất phát thôi.
Bên ngoài tuyết rơi vừa phải, chúng tôi vừa ra khỏi binh trạm thì gặp ngay một vị lạt ma cao tuổi. Vị lạt ma già này tu ở chùa trên núi, thường đến binh trạm dùng dầu bơ đổi lấy ít muối tinh. Đại đội trưởng nghĩ rằng ông cụ quan hệ rất tốt với bộ đội, lại thuộc địa hình vùng này, bèn nhờ ông dẫn đường.
Vị lạt ma già vừa nghe nói chúng tôi định đến chùa Đại Phượng Hoàng liền tỏ ra rất kinh hãi. Chuyện này dân địa phương đều biết cả, lẽ nào bộ đội đều không hay? Vị lạt ma vẫn nhớ chùa Đại Phượng Hoàng được xây vào những năm Càn Long, thờ bảo tượng Kim Cang đại uy đức. Nhưng 50 năm sau đã bỏ hoang vì hẻm núi ấy là nơi mà vài nghìn năm trước quốc vương Lĩnh quốc "Thế giới Chế địch Bảo châu Đại vương" (tức là Cách Táp Nhĩ vương)" đã niêm phong một ngôi mộ cổ bí hiểm của Ma quốc, là cấm địa của Mật tông.
Đại đội trưởng không cho là vậy, nói: "Sao lại mộ cổ gì gì thế? Tây Tạng chỉ toàn là thiên táng chứ làm gì có mộ cổ? Chắc chắn là bọn đặc vụ khốn kiếp nói láo để dọa người ta. Sao các người không chịu động não nhỉ? Cách Táp Cách Tiếc cái gì, tôi chả tin!"
Vị lạt ma già giao thiệp với người Hán đã lâu, nói tiếng Trung Quốc rất sõi, thấy thủ trưởng bộ đội không tin, liền quyết định đi cùng chúng tôi vì e chúng tôi làm kinh động đến hồ ma, núi dữ. Dân tộc Tạng rất sùng bái núi cao hồ lớn, trong mắt họ, núi và hồ đều là hóa thân của thần linh, ngoài núi thần và hồ thánh ra, sẽ là núi tà ác, hồ quỷ dữ, nhưng những nơi này đều đã bị Phật pháp trấn rồi. Lạt ma lo những người Hán chúng tôi không biết rốt cuộc sẽ gây ra những phiền hà gì, nhưng ông không nói ra miệng, chỉ là xin dẫn đường hỗ trợ bộ đội thôi.
Đại đội trưởng thấy lạt ma bằng lòng dẫn đường thì đương nhiên đồng ý, nói: "Được thôi!" Rồi dẫn phân đội tập hợp lâm thời chúng tôi từ binh trạm suối Bất Đông xuất phát.
Tôi đứng bên nghe họ nói chuyện, nghĩ bụng, anh đại đội trưởng là người giỏi chiến đấu, tuy trước khi đến Côn Luân đã được tập huấn về chính sách dân tộc nhưng trình độ hiểu biết về những nơi cổ xưa và thần bí ở Tây Tạng còn quá thấp.
Hồi đó tôi còn trẻ nhưng cũng đã biết, ở vùng đất Tạng, năm hình thức táng là thủy, hỏa, địa, thiên, tháp đã cùng tồn tại mấy nghìn năm. Không phải không có hình thức chôn xuống đất, nhưng hình thức đó là rất khác thường, ở Tây Tạng chôn xuống đất, đắp thành mồ là rất xấu xa, người ta rất kỵ, chỉ những ai mắc tội năng chết rồi mới bị chôn xuống đất, mãi mãi không được chuyển kiếp. Chưa biết chừng trong chùa Đại Phượng Hoàng, có một ngôi mộ như thế cũng nên.
Mười năm sau tôi mới hoàn toàn hiểu ra rằng cách chôn xuống đất ở Tây Tạng không đơn giản như tôi nghĩ. Thời cổ có rất nhiều quý tộc chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, họ cũng thích cách chôn xuống đất. Trên núi Mộ Nhật ở Tây Nam Quỳnh Kết có rất nhiều quần thể mộ táng các Tán thổ của nhiều triều đại nước Thổ Phồn vào thế kỷ 7-8. Có khoảng ba mươi ngôi mộ người ta thường gọi chung là "mộ Tạng vương", thân vuông, nóc tron, cao đến vài chục mét, xây bằng đá và đất nên, trong đó có mộ vị vua nổi tiếng nhất là Tùng Tán Can Bố. Có rất nhiều người nói rằng hình thức này là tháp táng, nhưng thực chất nó chẳng khác gì lăng xây trong núi thời nhà Đường.
Nhưng vào thời kỳ đó không thể phát ngôn những điều này trong bộ đôi, là quân nhân cách mạng thì phải phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy, cấp trên bảo sao cứ làm vậy.
Từ chỗ chúng tôi đến chùa Đại Phượng Hoàng trong núi không xa lắm, nhưng không có đường cho xe chạy, phải vượt đường núi gập ghềnh rất khó đi. Chênh lệch độ cao rất lớn, cứ cách mươi dặm khí hậu lại thay đổi, trên núi có tuyết nhưng dưới núi quanh năm lại như mùa xuân. Khu vực quanh chùa Đại Phượng Hoàng hoang vắng vốn không có dân cứ, nhưng vì trước núi có một bãi cỏ hoang quanh năm xanh tốt, nên thỉnh thoảng cũng có vài dân du mục người Tạng đến cắt cỏ để dùng cho mùa xuân khó khăn. Nghe nói núi ở đây không tốt, hồ cũng không tốt, trước kia thường có người và súc vật mất tích một cách khó hiểu cho nên dân chăn nuôi thường cố hạn chế đi đến đó.
Lạt ma dắt theo con ngựa già thồ các vật dụng đi trước dẫn đường. Đi chừng nửa ngày, vòng qua vài chỗ ngoặt, trời bỗng đổ một trận mưa tuyết rất lớn. Mây đen nặng nề sà xuống thấp, những bông tuyết dài như lông ngỗng rơi ngập trời đất, dãy núi Côn Luân nhấp nhô vươn trải trông như những con sóng trắng xóa đóng băng, phóng tầm mắt nhìn xa, khắp nơi sương tuyết mịt mùng, lung linh trắng bạc. Cảnh tượng tuyết bay lả tả tuy đẹp thật nhưng lại khiến những người đang trèo đèo vượt núi gặp phải rất nhiều khó khăn.
Cán sự Từ và nhân viên địa chất Lư Vệ Quốc là hai thành viên có thể lực hơi đuối trong đoàn, càng đi lên cao, trời càng sẫm lại, hai người họ đều không hẹn mà cùng xuất hiện phản ứng cao nguyên. Có lẽ còn phải vượt qua một quả núi phía trước mới đến được chùa Đại Phượng Hoàng ở hẻm núi. Đại đội trưởng bèn hạ lệnh tìm chỗ để mọi người nghỉ ngơi tránh gió và ăn một chút cho có sức, sau đó sẽ đi một mạch đến tận mục tiêu.
Vậy là phân đội chúng tôi tạm dừng lại, nữ quân y cùng đi tên là Cả Hồng, người dân tộc Tạng Đức Khâm, vốn tên là Cơ Ma, tiếng Tạng có nghĩa là tinh tú. Cả Hồng khám cho cán sự Từ và Lư Vệ Quốc, nói không sao cả, có lẽ vì đi liên tục quá lâu nên chức năng hô hấp hơi bị suy giảm. Chỗ này là hẻm núi trũng, không cao lắm, uống vài bát trà bơ là có thể giảm bớt phản ứng cao nguyên, rồi nghỉ một lát sẽ không vấn đề gì hết, không phải uống thuốc.
Vị lạt ma tìm một chỗ khuất gió sau tảng đá to, xếp đá lên làm bếp, dùng phân trâu khô đốt lửa rồi đun trà bơ chia cho mọi người, cuối cùng chia đến tôi và anh Đô. Lạt ma một tay lắc cái Chuyển kinh luân, một tay cầm trà rót vào bát, rồi nói: "Cha xi ta lơ!"
Tôi đang lạnh cóng, vội cảm ơn lạt ma, sau đó ngửa cổ uống một hơi cạn sạch cả bát rồi chùi mép. Trước kia tôi cho rằng cái thứ nước uống bát nháo nấu bằng vừng, muối, bơ... chẳng ngon lành gì, vậy mà giữa trời băng tuyết được uống một bát nóng hổi bỗng cảm thấy trên đời này chẳng thể có thứ gì ngon hơn nữa.
Y tá Cơ Ma thấy tôi uống hết ngay, bèn xin lạt ma đưa cho cái ấm trà rót thêm cho tôi một bát: "Uống chậm thôi, kẻo bỏng lưỡi. Thói quen uống trà của người Tạng là không uống hết sạch, phải chừa lại một ít thì mới chứng tỏ rằng mình đàng hoàng rộng rãi!" Cô mỉm cười với tôi rồi quay đi giúp lạt ma rót trà.
Tôi nhìn theo cô, nói với anh Đô ngồi bên cạnh: "Tôi thấy y tá Cơ Ma tốt thật đấy, đối xử với các đồng chí ấm áp như mùa xuân, giống chị gái tôi lắm cơ."
Anh Đô ngạc nhiên: "Ô, anh còn bà chị ở quê à? Sao không thấy anh nhắc đến bao giờ nhỉ? Trông người thế nào? Cho tôi xem ảnh với?"
Tôi đang định nói với anh Đô rằng tôi nằm mơ mới có một bà chị xinh đẹp thân thương đến thế... .bỗng thấy thông tín viên đứng gác gọi to: "Có tình hình bất ổn!"
Tất cả mọi người đang vây quanh đống lửa đều như bị điện giật, co chân đá tuyết dập ngay lửa rồi nằm rạp xuống, đồng thời phát ra những tiếng lên quy lát lách cách đanh gọn, nhưng chỉ thấy bốn bề tuyết trắng tung bay, màn đêm tối mịt, tiếng gió lạnh heo hút thổi vút qua.
Đại đội trưởng nằm rạp trên tuyết cảnh giác nhìn kỹ khắp xung quanh, rồi mắng mỏ: "Bất ổn cái quái gì hử? Thằng Trần Tinh đụt kia, dám hoang báo tình hình, coi chừng ông cho mày ăn đạn đấy, tin không hử?"
Thông tín viên Trần Tinh nói khẽ, kêu oan: "Đại đội trưởng ơi, tôi lấy đầu ra bảo đảm, tôi quả thật không hề nhìn nhầm, vừa nãy mấy ánh đèn xanh ở đỉnh núi kia lóe lên."
Tôi nói với đại đội trưởng: "Hay là bọn đặc vụ phát tín hiệu thông tin liên lạc, giống như trong vở "Bí mật đứng gác ở Dương Thành" ấy, chưa rõ chúng ta có bị lộ không, anh cứ cho tôi đi trinh sát xem sao."
Đại đội trưởng gật đầu: "Được thôi! Cậu phải thấp người, và đi cẩn thận đấy, tốt nhất bắt sống một thằng về đây. Ơ kìa... có vẻ không ổn."
Cách chúng tôi vài chục mét phía trước có năm ánh đèn nhỏ xanh lè. Vì trời đã tối, khắp nơi bị tuyết phủ nên rất khó nhận ra địa hình chỗ đó. Năm ngọn đèn xanh cứ chầm chậm dập dờn dịch chuyển cùng gió tuyết, lúc sáng lúc tối như ma trơi, rồi đi vòng quanh chúng tôi.
Chúng tôi đều giương súng bán tự động ngắm vào mục tiêu, nhưng đại đội trưởng nói khi chưa làm rõ tình hình không được nổ súng. Lúc này, con ngựa già của vị lạt ma bỗng hí vang và đá hậu liên tục. Lạt ma vội bước lại giữ cương, vuốt bờm và niệm kinh vỗ về, sau đó nói với chúng tôi: "Thần hộ pháp cai quản chăn nuôi đã bị kinh động. Sói đấy."
Tôi nhìn năm đốm sáng xanh chập chờn lúc ẩn lúc hiện không rõ mấy, chẳng lẽ trong đó có một con sói một mắt? Khi mới đến Côn Luân, tôi đã nghe người lính già ở binh trạm nói rằng, ở đồng cỏ Mô Chiên gần đây có vua sói trắng một mắt. Nhưng dạo này quân dân phối hợp săn bắn được rất nhiều chó sói nên đàn sói đã biệt tăm tích, không ngờ lại trốn vào núi. Chúng bất ngờ xuất hiện e chẳng phải dấu hiệu tốt lành, không rõ sẽ đem tai họa gì đến đây.
Ba con sói đi quanh chúng tôi mấy vòng, đại đội trưởng bảo anh Đô bắn chỉ thiên một phát để xua đi, kẻo chúng sẽ dụ thêm đồng bọn đến đông hơn, gây ra những phiền hà không cần thiết, nhiệm vụ bức thiết lúc này không phải là giết sói mà là đi cứu các đồng chí đang mất tích. Anh Đô bắn một phát lên trời, tiếng súng độc nhất vô nhị của khẩu bán tự động kiểu 56 do Trung Quốc sản xuất xé tan bầu trời đêm.
Hình như mấy con sói biết quân nhân chúng tôi có vũ khí lợi hai nên không dám nán lại lâu, liền biến mất hút vào gió tuyết trong đêm tối. Đại đội trưởng nói có lẽ tiểu đội kia trên đường trở về đã bị bầy sói tấn công, nhưng rồi lại nghĩ khả năng này không lớn, vì có trong tay hơn chục khẩu súng bán tự động thì dẫu có bao nhiêu con sói cũng không dám đến gần. Lúc này thời tiết xấu, kẻ địch đáng sợ hơn đàn sói là bọn đặc vụ thâm nhập vùng núi, có nhiều mối đe dọa tiềm ẩn, cần nhanh chóng tìm ra phân đội mất tích kia.
Chúng tôi lập tức lên đường, vượt qua một sườn núi lớn, rồi xuống cái dốc rất dốc, bên dưới đã là đồng cỏ hoang. Ở đây không có tuyết, nhiệt độ cao hơn một chút nhưng vẫn rất lạnh, khắp chốn cỏ héo xác xơ, chùa Đại Phượng Hoàng điêu tàn hoang vắng ẩn khuất sau những vạt cỏ dại.
Xung quanh đồng cỏ là rừng cây cổ thụ chen lấn, diện tích không nhỏ. Với quân số ít, nếu sục tìm một vùng rộng như thế này cũng không phải chuyện dễ. Chúng tôi chia thành hai tổ, đại đội trưởng, thông tín viên, anh đầu bếp, nhân viên địa chất Lư Vệ Quốc và y tá Cả Hồng là một tổ, những người còn lại gồm anh Đô, lạt ma, cán sự Từ và tôi là tổ hai, tổng cộng bốn người, đại đội trưởng phân công tôi phụ trách tổ hai.
Hai tổ chia nhau sục tìm hai cánh phải trái. Tôi dẫn tổ hai gạt cỏ dại cao ngang đầu, cầm súng dò dẫm tiến lên phía trước. Gạt cỏ sang bên, có thể lờ mờ nhận ra một con đường cổ xưa lát đá, dấu vết của chùa miếu đời Thanh. Nghĩ rằng dấu hiệu này có thể giúp nhận biết phương hướng, tôi bèn bước lên nhưng vị lạt ma đã nắm lấy tôi kéo lại nói: "Anh lính trẻ à, đường này không phải để cho người đi."
Không để cho người đi thì để cho ma đi chắc? Nghĩ vậy, tôi bèn nói với lạt ma: " Giang sơn của nhân dân thì nhân dân làm chủ, đường của nhân dân thì nhân dân đi, ở Trung Quốc dù đường lớn đường bé đều là đường chủ nghĩa xã hội tất, sao lại không được đi?"
Cán bộ Từ cảm thấy tôi nói vậy quá căng, bèn can tôi: "Đồng chí ở địa phương phối hợp với chúng ta làm nhiệm vụ, ta nên lắng nghe ý kiến của họ thì hơn."
Lạt ma lục cái túi đeo sặc sỡ lấy ra một cây côn sắt cũ kỹ, nói: "Tôi bốn chục năm làm Thiết bổng Lạt ma cho hai đời Phật sống, nên biết rất rõ sự việc ở miếu này, con đường này không thể đi, các anh chỉ việc đi sau tôi là được. Ngôi miếu hoang này có lai lịch không bình thường đâu." Nói rồi ông đi chệch sang một bên, vừa đi vừa ê a tụng niệm: "Nặc, Kim Cang hàng phục tà ma giả, thần thông diệu thiện tứ thập ngũ, cấp ngã chính tu dĩ thành tựu, vu chư oán địch phát xuất tướng, nhất thiết ma nạn sử giai tức... "
Chúng tôi chẳng ai hiểu ông đang niệm cái chú gì, đành đi sau, hỏi cho có chuyện: "Lão đồng chí.. lạt ma Ake này, ông dường như rất am thuộc ngôi miếu này, ông có thể kể xem tại sao nơi này ngày xưa xây xong ít lâu lại bỏ hoang không?"
Nghe hỏi thế, lạt ma dừng bước quay lại, khuôn mặt già nua chợt gợi lên một nét u ám: "Nghe nói Quỷ mẫu cuối cùng của Ma quốc và chiếc bát Đại thiền Diệt pháp Kích yêu được chôn ở núi này, ngay Kim Cang đại uy đức được thờ ở đây cũng không trấn nổi nó. Sự tình náo động kinh quá, người và gia súc ở đây chết rất nhiều, không thể không bỏ hoang".