Cả xóm Đình đều lạnh gáy khi chứng kiến hiện tượng mà từ nào đến giờ họ mới thấy lần đầu: Một xác chết treo lơ lửng ở cây xoài cổ thụ trước nhà ông Hương hào Cẩm.
Do gốc xoài đó nằm áng ngữ ngay ngã ba đường, cho nên muốn từ xóm ra chợ, hay từ chợ về nhà mọi người đều phải đi qua. Do vậy từ khi xảy ra chuyện "Ma hiện" ấy thì hầu như trời vừa sụp tối là chẳng có một ai qua lại, có chuyện gì cần kíp lắm thì cả xóm phải họp cùng nhau năm bảy người mới dám cầm đèn qua chỗ gốc xoài ấy.
Riêng Hương hào Cẩm thì do quá sợ đã dọn nhà ra chợ ở nhờ nhà đứa em và hầu không dám léo hánh về thăm nhà. Vậy mà một buổi tối nọ có người đến báo với ông:
- Tui thấy rõ ràng hai đêm nay trong ngôi nhà bỏ hoang của ông có đèn sáng trưng! Chứng tỏ trong nhà ấy có người ở.
Hương hào Cẩm bàng hoàng:
- Chuyện gì đang xảy ra trong nhà?
Ông nhát gan không dám mò về, nhưng đứa con của ông, cậu Hai Thành thì cương quyết:
- Phải làm cho ra lẽ mới được! Tôi nghĩ, nếu thật sự đó là ma thì đâu vô cớ vào nhà mình!
Hai Thành hăng hái cùng với hai thanh niên nữa quyết canh lúc tối trời thì mò về nhà. Quả như lời đồn, khi họ về gần tới thì đã thấy đèn đuốc sáng choang và xa xa họ còn nhìn thấy có bóng người di chuyển bên trong nữa.
Một người hỏi Hai Thành:
- Nhà anh khi dọn còn để lại ai không?
Hai Thành nhún vai:
- Nếu có đông người thì chắc ba tui không bỏ nhà mà đi. Nhà tui chỉ còn có tui là con độc nhất, sau khi đứa em gái tui bị bạo bệnh mất hồi nó mới 14, 15 tuổi!
Nhân ngồi núp ở bụi rậm xem động tĩnh trong nhà người bạn hỏi thêm:
- Sao nhà đơn chiếc vậy mà anh không lấy vợ để đỡ đần công việc nhà, rồi còn phải có con cái nối dõi tông đường nữa chớ?
Hai Thành chợt thở dài:
- Đó là bi kịch của nhà tôi. Thôi, đừng nói nữa…
Người bạn tính hỏi nữa, nhưng Hai Thành đã gạt ngang:
- Đã nói là không hỏi nữa mà! Bây giờ anh ở đây, còn tôi thì một mình vô trong đó.
Tư Mạnh, người bạn thân, rất mến Hai Thành, ngăn bạn:
- Biết chuyện gì trong đó mà vô? Nếu đi thì tôi cùng đi với.
Hai Thành thẳng thừng từ chối:
- Anh còn vợ, còn tôi thì không, cứ để tôi đi. Tôi có linh tính chuyện này có điều gì đó không bình thường, phải chính tôi đi.
Anh phóng đi một mình. Tư Mạnh nhìn theo lo lắng:
- Thằng này chắc là điên rồi!
Anh ta ngồi ngoài chờ...
Trăng lên ngang đỉnh đầu, trời trở gió lạnh buốt...
Bên trong nhà bỗng đèn tắt tối thui!
Tư Mạnh hốt hoảng:
- Sao vậy cà?
Anh ta định chạy tới, nhưng chân vừa giẫm lên một vật gì đó mềm mềm giống như một thân người. Anh ta cúi xuống nhìn, qua ánh trăng lờ mờ, Tư Mạnh nhận ra và kêu lên:
- Hai Thành!
Đúng là Hai Thành nằm im như xác chết. Tư Mạnh đưa tay sờ mũi bạn, reo khẽ:
- Còn sống!
Anh ta cố sức cõng đưa Thành về tới nhà. Hương hào Cẩm sợ hãi:
- Nó bị sao vậy Mạnh?
Tư Mạnh đâu dám nói thật:
- Dạ, nó vừa bị vấp ngã trật chân một chút.
Hai Thành mở mắt nhìn Mạnh, rồi nhẹ nhàng vẻ như không đồng ý cách trả lời của bạn. Sau đó anh hầu như không nói nửa lời.
Gia đình Hương hào bị liền hai tai họa. Thứ nhất là việc Hai Thành gần như đờ đẫn, mất hồn sau đêm đột nhập vào nhà bỏ hoang. Hai là sau đó một tháng, đột nhiên anh chàng đòi cha mẹ đi cưới vợ cho bằng được và cưới ngay một cô gái đang bị chửa hoang!
Khuyên con cách gì Hai Thành cũng không nghe, nên vợ Hương hào Cẩm đành phải dọa:
- Nếu con cãi lời đi lấy con đó thì má đập đầu vô cột chết liền cho con vừa lòng!
Chẳng ngờ Hai Thành còn cứng đầu hơn:
- Má muốn thì cứ chết, còn con đã nói cưới là cưới!
Anh ta nói rồi bỏ đi thẳng qua nhà cô Son, cô gái bị chửa hoang đang đợi ngày sinh nở.
Chính cha mẹ Son không ngờ chuyện đó. Họ còn khuyên Hai Thành:
- Cậu không việc gì phải hy sinh như vậy, con gái tui nó lỡ dại với ai đó để vợ chồng tui truy nguyên ra rồi tính. Cậu làm như vậy chỉ thân khổ cho cả hai gia đình.
Nhưng Hai Thành đã nghiêm giọng đáp:
- Đâu ai có quyền bảo tui phải làm gì trong chuyện hôn nhân của mình! Tôi đã nói rồi, Son chính là vợ tôi và đứa con trong bụng cô ấy đúng là con tôi!
Hết biết! Chưa có anh chàng nào điên như anh chàng này! Tuy nhiên khi cha mẹ hỏi thì Son cũng trả lời:
- Chính anh Hai Thành là cha của đứa bé trong bụng con!
Biết chắc sự thật không phải vậy, nhưng nói gì thì nói, Son vẫn quả quyết như thế và sau đó đồng ý ngay lời đề nghị cưới của Thành. Buộc lòng vợ Tám Thông phải ưng thuận.
Nhưng trước khi đám cưới diễn ra, bà Tám còn hỏi riêng con gái:
- Con nói thiệt cho má nghe, có phải bào thai trong bụng con là của thằng... chủ trại Ba Danh không? Má nhớ rồi, lúc con cùng đi ghe chở cây với nó...
Son gào lên:
- Con đã nói không phải mà! Để con đẻ ra liền cho má coi có phải giống Hai Thành không!
Bà Tám vẫn lầm bầm:
- Hồi nào giờ con có quen Hai Thành đâu mà có con với nó!
Bà nhớ, bữa Hai Thành sang nhà tìm, khi gặp Son đứng ngoài cửa cậu ta còn hỏi cô có phải là Son không. Như vậy thì làm sao...?
Trong ngày cưới Hai Thành còn long trọng tuyên bố:
- Chúng con thương nhau quá, nên chưa được phép cha mẹ hai bên mà đã... làm liều. Nay để sửa chữa, chúng con xin hứa là sẽ sống hạnh phúc, ăn đời ở kiếp với nhau!
Ngay sau lễ cưới chỉ được vài tuần là Son chuyển dạ, chưa kịp đưa đi nhà bảo sanh thì cô đã sanh ngay tại nhà.
Bà Tám quá đỗi ngạc nhiên, nói với chồng:
- Đã tới ngày sanh đâu, sao lại sanh được?
Bà nhẩm tính, Son có bầu mới gần bảy tháng!
Tuy vậy đứa bé sinh ra vẫn khỏe mạnh. Một đứa bé trai kháu khỉnh. Không hẹn mà cả hai bà nội, ngoại đều bước ngay tới cố nhìn cho bằng được mặt mũi đứa bé. Và họ đều ngạc nhiên quá đỗi, khi đều nhận thấy nó giống Hai Thành như đúc!
- Còn ai vô đây nữa chị Hương hào!
Bà Hương hào Cẩm cũng không thể phủ nhận:
- Cái trán, cái mũi là của thằng Thành!
Hai Thành đứng nhìn con khá lâu, rồi nhẹ bước đi ra, không nói tiếng nào. Nhưng ngay chiều hôm đó anh đã đích thân đưa vợ con mình về nhà, mà là ngôi nhà do cha mẹ anh dọn ra, không dám ở. Ông Hương hào phản đối quyết liệt, nhưng Hai Thành không nghe, anh còn bảo:
- Nhà mình, mình ở, chỗ của ma, ma ở, mắc mớ gì phải tránh nhau, mà có tránh cũng chắc gì tránh được.
Một số bà con, bạn bè rất muốn tới thăm vợ chồng Thành, nhưng ngại nhất là ban đêm. Mà ban ngày thì Hai Thành không tiếp khách, bởi lý do đứa bé sơ sinh sợ ánh sáng, sẽ khóc thét mỗi khi thấy người lạ! Thành thử, cho đến ngày đứa bé đầy tháng mà hầu như chẳng có ai tới nhìn mặt được. Điều này chừng như Thành cũng không quan tâm...
Cho đến khi Thành bế con về thăm ông bà nội thì chính Hương hào Cẩm đã phải kêu lên:
- Trời ơi, thằng nhỏ y như thằng Hai Thành!
Bà Hương hào đứng gần đó nói liền:
- Giống ông thì có! Coi cặp lông mày của nó kìa, hai mí giao nhau y như của ông, chớ của thằng Hai đâu có vậy!
Lúc ấy Hương hào Cẩm mới giật mình, đúng là thằng bé giống ông nhiều hơn Hai Thành.
- Ba... Ba...
Đó là tiếng phát ra từ miệng thằng bé hơn tháng tuổi! Bà Hương hào hốt hoảng:
- Sao nó nói được?
Hai Thành kể:
- Mới hơn một tuần tuổi là nó đã kêu ba ba được rồi! Bữa nay nó còn nói được nhiều hơn nữa! Biểu nó gọi má má, bà bà, ông ông nó cũng nói được!
Nghi hoặc, bà Hương hào bước lại gần, bà vừa cúi xuống nhìn thì thằng bé đã gọi khá rõ:
- Bà! Bà!
Bà reo lên:
- Ông tới đây coi nè, nó cười với tôi nữa!
Ông Hương hào rụt rè bước tới, vừa thấy mặt ông đứa bé đã đưa hai tay như đòi ẵm và cất tiếng gọi:
- Ba! Ba!
Trong lúc ông Cẩm ngạc nhiên thì Hai Thành nhẹ thở dài rồi quay đi nơi khác. Bà Hương hào la lên:
- Nó gọi ông là ba là sao?
Hương hào Cẩm dẫy nãy:
- Nó mới biết nói, gọi cái gì ai biết!
Nhưng Hai Thành thì khác. Anh nói một cách nghiêm túc với cha:
- Nó chính là... con của cha đó!
Câu nói đó khiến cho bà Hương Hào Cẩm trợn tròn đôi mắt, miệng lắp bắp:
- Con... con nói... nó là...
Rồi bà cứ trợn trừng như thế và ngất luôn...