Ở vùng kinh xáng này không nơi nào đông khách bằng nhà Huyện Hỉ, bởi vậy chuyện một vài chiếc ghe bầu sang trọng ghé vào bến cùng lúc không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên, lần này có đến bốn chiếc ghe sơn phết sặc sỡ, rèm sáo treo đẹp mắt ghé một lượt đã làm cho đám gia nhân nhốn nháo cả lên. Mà người đứng ngồi không yên lại là cô con gái rượu của nhà Huyện Hỉ. Đã suốt từ sáng sớm, lúc nào cô Hai Tuyết cũng hỏi thăm con Năm Nở, đứa tớ gái riêng của mình:
- Có thấy khách nào tới chưa?
Biết cô chủ mình đang nóng lòng đợi một ai đó, nên Năm Nở trấn an:
- Cô cứ để con canh chừng cho, hễ có khách tới là con chạy vô báo tin ngay!
Đến lúc thấy đoàn ghe bầu vừa cặp bến, con Nở đã ba chân bốn cẳng chạy bay vào phòng riêng của chủ thông báo liền:
- Tới rồi cô Hai ơi!
Hai Tuyết quýnh lên:
- Đông người không?
- Dạ, tới bốn ghe lận, có đến vài chục người!
Dù đã chuẩn bị sẵn, nhưng Tuyết vẫn không bình tĩnh khi hết chụp món này lại chụp sang món khác, một lúc vẫn chưa chọn được cái áo nào để mặc vào. Con Nở lanh lợi, biết tâm trạng chủ nên nó nói ngay:
- Cô Hai nên bận cái áo màu hồng, đẹp hơn màu xanh lục kia.
Lời nhắc của con Nở đã khiến cho Tuyết nhớ ra là đã cả chục lần cô mặc thử chiếc áo dài màu cánh sen mà lần nào nhìn vô kính cũng thấy hài lòng. Vậy thì tại sao phải đổi màu khác...
Con Nở nhanh nhẩu chạy trở ra, nó nói vói lại:
- Khi nào ông bà gọi, con sẽ chạy vô cho cô hay!
Khách từ trên bốn chiếc ghe bầu bước xuống quả là đông như lời mô tả của con Nở. Mà người nào cũng ăn mặc sang trọng, quần lãnh áo lụa đủ sắc màu. Lại có những người bưng mâm quả nữa, giống như một đám hỏi.
Con Nở đứng nhìn mà không chớp mắt, nó tự hỏi:
- Hổng lẽ bữa nay đám hỏi cô Hai Tuyết?
Chuyện trọng đại này sao nó không nghe cô chủ nói? Bởi nhất nhất chuyện gì cô chủ cũng thường thổ lộ với nó, vì cô là người sống khép kín, ít đi lại, không có bạn cũng không se sua, đỏng đảnh như hầu hết các cô tiểu thơ nhà giàu khác.
Khi đoàn khách kéo hết vào nhà, được đích thân ông bà Huyện đón tiếp, thì Nở đã nhanh chân chạy đi báo ngay:
- Đúng là đám hỏi cô ơi! Có đủ lễ bộ, mâm trầu cau, ngũ quả và con còn nghe bên kia nói bữa nay là ngày lành tháng tốt nữa...
Hai Tuyết hơi ngạc nhiên:
- Làm gì có đám hỏi gì ở đây? Bữa nay tao đang chờ gia đình anh Ba Thông qua để...
Con Nở mau miệng:
- Con đâu có thấy thầy ký Thông! Đây toàn là những người lạ không hà.
Tuyết lẩm bẩm:
- Ba má đã đồng ý mời người ta qua mà. Sao lại có khách nào nữa?
Chính ngày hôm qua Tuyết còn nhắc lại chuyện ba má mình chịu cho mời cha mẹ thầy ký Thông sang chơi và cũng chính Tuyết đã cho gia nhân tức tốc đưa ghe sang đó rước họ. Đáng lẽ giờ này họ cũng đã về tới...
- Thưa cô Hai, ông bà cho mời cô Hai ra tiếp khách.
Tiếng của con Sáu Lý, đứa tớ hầu hạ bà Huyện nói vọng ngoài cửa phòng. Hai Tuyết bước vội ra hỏi nó:
- Khách nào vậy?
Con Lý lắc đầu:
- Dạ, con cũng hổng biết. Bà dặn cô sửa soạn quần áo cho chỉnh tề.
Nói xong nó bước trở ra ngay. Tuyết bảo con Nở:
- Mày ra coi kỹ lại coi khách tới làm gì, nói gì rồi vô đây báo ngay cho cô!
Con Nở chạy ra vừa lúc nghe bên khách nói:
- Thưa anh chị Huyện, được sự cho phép của anh chị, vợ chồng tui đã nhờ người coi tuổi rất kỹ, may quá tuổi thằng Tư nhà tui và tuổi cô Hai nhà này hạp nhau vô cùng! Thầy bói nói hai tuổi này mà ăn ở với nhau sẽ sinh quý tử, dựng nên nghiệp lớn sau này!
Họ còn nói nhiều nữa, nhưng nội bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho con Nở điếng hồn, nó chạy bay vô, báo tin mà không giữ nổi bình tĩnh:
- Không... không xong rồi... cô Hai. Họ... họ đi... cưới... cưới cô!
- Ai cưới?
- Cưới cô Hai! Họ đang bàn chuyện...
Vừa lúc ấy con Lý lại trở vô:
- Thưa cô Hai, bà hối cô ra liền, nếu không bà vô đó!
Tuyết giục con Nở:
- Mày ra nghe kỹ lại coi!
Con Nở vừa bước ra thì đã thấy bà Huyện bước nhanh vào:
- Sao kêu cả buổi mà không chịu ra vậy, Tuyết! Còn con này nữa, biểu mày kêu mà sao còn ở đây?
Con Nở lúng túng:
- Dạ con... con...
Tuyết bước ra, hỏi mẹ:
- Khách nào vậy má?
Bà Huyện nghiêm giọng:
- Vợ chồng Bá Hộ Tòng bên Cái Tàu. Bữa nay họ qua... coi mắt con.
Tuyết trố mắt nhìn mẹ:
- Má... con đã nói rồi, bữa nay bên nhà thầy ký Thông...
Bà Huyện chặn ngang:
- Ai qua cứ qua, còn đám này ba má đã hẹn trước. Người ta lại mang lễ vật...
Bà ta biết là hố lời nên dừng lại, nhưng Tuyết đã hiểu, cô lớn tiếng:
- Có phải ba má hứa gả con cho họ không?
- Thì... con cứ ra chào người ta đã. Còn gả hay không là quyền của mình, chớ phải lấy ngay đâu mà sợ!
Bà nói xong thì trở ra nhà ngay, nhưng trước khi đi đã không quên thòng một câu:
- Ra ngay, chớ để ba mày vô thì có chuyện lớn đó!
Tuyết buông mình xuống giường, cơn phẫn nộ trào dâng, nhưng nguồn cơn sự việc lại bắt đầu từ cha mẹ, nên cô đâu thể nào trút ra sự thịnh nộ. Bởi vậy chỉ có khóc là hữu hiệu nhất. Tuy nhiên con Nở đã nhắc:
- Cô Hai đừng khóc, son phấn trên mặt hư hết, ông lại nổi giận...
Nó ôm chầm lấy cô chủ, an ủi:
- Không sao đâu cô Hai. Cô cứ ra chào khách, rồi chút nữa khi khách của cô tới thì ắt họ sẽ hiểu. Làm vậy đi cô.
Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng sự khôn dại thì con Nở còn tỏ ra hơn hẳn cô chủ của mình. Cho nên sau khi nghe nó phân tích, Tuyết đã quẹt nước mắt, dặm lại son phấn rồi miễn cưỡng bước ra chào khách.
Người đứng bật dậy trước tiên khi thấy Tuyết xuất hiện là một chàng trai tuổi trên hai mươi, đầu tóc láng bóng, ra dáng công tử nhà giàu. Khi Tuyết cúi chào thì người phụ nữ lớn tuổi bên phía khách lên tiếng ngay:
- Con Hai nhà anh chị quả là đẹp người đẹp nết, xứng đôi với thằng Tư nhà chúng tôi phải biết!
Thấy dáng vẻ miễn cưỡng của con gái, bà Huyện phải lên tiếng trước:
- Bữa nay cháu nó không khoẻ trong người, nên ra chào rồi xin phép cho nó vô nghỉ ngơi.
Người phụ nữ lớn tuổi bên khách đúng là bà bá hộ Tòng, bà ta đứng lên nhanh, vừa chụp lấy tay Tuyết vuốt ve.
- Bác không ngờ cháu lại trắng và đẹp đến như vầy! Cũng may, bác đã lường trước nên cũng không phải thiếu chu đáo...
Bà lấy ngay ra từ trong giỏ xách một chiếc hộp bọc nhung đỏ và nói ngay:
- Cườm tay trắng ngần này mà đeo vòng cẩm thạch thì thua gì Tây Thi!
Bà ta vừa nói, vừa nhanh nhẹn tròng vào cổ tay của Tuyết chiếc vòng cẩm thạch khá to:
- Vòng này tui gởi mua từ bên Hồng Kông, chỉ để tặng cho... con dâu tương lai thôi!
Bà là tay khá sành sõi chuyện đeo vòng, nên chỉ loáng một cái, chiếc vòng đã nằm gọn ở cổ tay của Tuyết. Khiến cho Tuyết có muốn phản đối cũng không kịp, cô chỉ lí nhí:
- Con không... không quen đeo...
Quay sang bà Huyện, bà bá hộ nói nhanh:
- Đây là quà riêng tui cho con nó, không nằm trong lễ vật, anh chị cho phép.
Một cách bướng bỉnh, Tuyết tìm cách tháo chiếc vòng ra, nhưng không tài nào làm được. Nhìn thấy, bà Huyện vội lên tiếng:
- Con tới đứng bên má đây một chút rồi xin phép vô nghỉ.
Đôi mắt cú vọ của anh chàng con trai nhà bá hộ cứ nhìn thẳng vào phía Tuyết. Con Nở núp trong màn nhìn ra cũng thấy chướng, nó thầm nghĩ: "Đàn ông con trai gì thấy con gái là nhìn muốn... muốn rớt... luôn!".
Lát sau bà Huyện đích thân đưa Tuyết vô, bà dặn khẽ:
- Không được tháo chiếc vòng ra, nghe chưa!
Khi trở về phòng rồi, Tuyết mới oà lên khóc. Cô khóc nức nở làm nhoè cả son phấn trên má, khiến cho con Nở lo lắng:
- Cô bình tĩnh, chớ có...
Tuyết giục:
- Em ra bến đợi coi, chừng nào thấy có ghe ghé lại thì vô báo ngay.
Nở đi chưa tới bến thì đã gặp Bảy Nô, anh chàng được Tuyết sai đi rước nhà ký Thông. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, sao chú về một mình?
Bảy Nô tỏ vẻ sợ sệt:
- Tui... tui đâu có rước cậu ký.
- Sao vậy? Cô Hai đang chờ mà?
Bảy Nô ghé sát tai Nở, thì thầm:
- Hồi sáng khi tui đi được một đoạn thì bà Huyện sai người chạy ghe máy theo kêu lại, biểu khỏi phải rước. Rồi còn cho tui mấy đồng ra chợ ăn hủ tiếu từ sáng tới giờ nữa!
Con Nở thốt lên:
- Hèn chi!
Nó định chạy vô báo cho Tuyết biết chuyện, nhưng Bảy Nô đã kéo lại:
- Mày mà nói cho cô Hai biết là bà Huyện đuổi cổ mày ra khỏi nhà đó!
Nở mím chặt môi, nó đứng thẫn thờ hồi lâu, rồi giả bộ đi về phía nhà kho, đợi cho Bảy Nô không để ý, nó chạy vụt vào phòng của Tuyết, cuống quýt:
- Cô ơi... không... không xong rồi! Cậu Ký... cậu Ký...
Tuyết hốt hoảng:
- Có chuyện gì?
Mãi hồi lâu Nở mới nói thành lời:
- Cậu Ký không... có qua!
Tuyết ngạc nhiên:
- Sao em biết?
- Bảy... Bảy Nô...
Nó thuật lại đầu đuôi lời Bảy Nô, rồi còn dặn:
- Nếu cô mà nói ra vụ này thì Bảy Nô và con sẽ bị đuổi lập tức!
Tuyết mím chặt môi, hai tay nắm lại để kiềm chế cơn uất nghẹn trong lòng. Trước mắt cô bầu trời như tối sầm lại...
Lát sau, khi đã trấn tĩnh lại, Tuyết bảo khẽ con Nở:
- Em lén lấy chiếc xuồng nhỏ, bơi trước ra vàm và đợi cô ở đó, cô sẽ ra sau. Nhớ đem theo mấy bộ đồ.
Con Nở tròn mắt nhìn cô chủ. Nhưng nó không nỡ ngăn cản hay chối từ. Bởi lúc ấy nó nhìn thấy hai dòng lệ đang lăn dài trên má Tuyết...
° ° °
Thấy con trai cứ đứng ngồi không yên, mà suốt mấy ngày liền không đi làm, vợ chồng Tám Thảnh đều lên tiếng hỏi:
- Sao con không đi làm việc, bữa nay là thứ Hai mà?
Thông đáp nhẹ hều:
- Con nghỉ...
Thím Tám ngạc nhiên:
- Nghỉ phép hay sao?
- Dạ nghỉ luôn...
Đến phiên chú Tàm tròn xoe mắt:
- Con nói vậy là sao? Bộ bị ông Huyện cho thôi việc hả?
- Dạ.
Thím Tám lo lắng:
- Bộ con làm điều gì không hay phải không? Chớ có lý nào xưa nay ông bà Huyện thương con, giúp đỡ cho vào làm ở công sở, mà còn...
Bà muốn nhắc tới chuyện bà Huyện có lần còn nói xa nói gần việc tác hợp cho con gái họ với Thông, nhưng thấy chồng lừ mắt nên thôi. Thống lấy ra một bao thư lớn, đưa cho cha mẹ:
- Hồi sáng nay ông bà Huyện gửi này cho con. Ba má coi thì sẽ rõ.
Ông Thảnh mở bao thơ ra và ngạc nhiên vô cùng khi thấy ngoài một lá thư còn có khá nhiều tiền!
- Tiền gì nhiều dữ vậy?
Trong lúc thím Tám hỏi thì chú đọc nội dung lá thư. Đọc xong, chú thẩn thờ:
- Người ta cám ơn về sự nhiệt tình bấy lâu nay của thằng Thông, nhưng nay vì nhu cầu công việc, cần người khác thích hợp hơn, nên quyết định cho thằng Thông nghỉ. Để đền bù công lao của nó, ông bà Huyện gửi cho một số tiền khá lớn...
Thím Tám cầm xấp tiền đếm kỹ, rồi kêu lên:
- Tiền này mua được mấy chiếc ghe lớn cũng chưa hết!
Thông thở dài:
- Con đâu có ham tiền bạc này. Cái mà con cần là...
Chú Tám chặn lời con:
- Người ta đã nói vậy rồi và cũng đã biết điều cho mình số tiền lớn, thôi thì mình lo kiếm chuyện khác mà làm.
Thím Tám mau miệng:
- Có số tiền này mình mở một vựa gạo ở chợ, thằng Thông giỏi tính toán thì ở nhà làm chủ mua bán, còn tui với ông lấy tiền mua thêm chiếc ghe đi thu mua lúa gạo về cung cấp cho cửa hàng. Cái nghề này mau khá lắm đó nghen!
Trong lúc cha mẹ say sưa bàn tán chuyện làm ăn thì Thông lặng lẽ bước ra trước sân nhà, nhìn ra sông mà nghe lòng tê tái. Chỉ mới hôm thứ bảy đây thôi lúc về nghỉ cuối tuần Thông còn dệt bao nhiêu là mộng đẹp, khi chính anh đã được Tuyết thỏ thẻ khi tiễn anh lên ghe:
- Ba má đã chịu cho tụi mình tính chuyện cưới hỏi rồi đó. Có thể sáng mai em sẽ cho người qua đón ba má và anh qua gặp mặt ba má em để người lớn nói chuyện.
Vậy mà...
- Làm gì mà thừ người ra vậy?
Giọng nói phía sau lưng làm cho Thông giật mình, quay lại và... há hốc mồm kêu lên:
- Tuyết!
Nhìn Tuyết bằng xương bằng thịt đứng trước mắt mà Thông cứ tưởng như mơ! Tuyết phải nhắc:
- Không xách tiếp người ta chiếc va-li nặng nữa sao!
Thông lúng túng đỡ lấy chiếc va-li lớn, lắp bắp nói:
- Em... em qua đây... với ai?
Nhìn lại trước sau cũng chỉ mình Tuyết nên Thông càng nhạc nhiên hơn:
- Em đi một mình?
Tuyết gật đầu:
- Đi một mình, chắc là không được thầy ký tiếp đón phải không?
Hai người đang nói chuyện thì thím Tám từ trong nhà bước ra, kinh ngạc:
- Ai vậy con?
Thông quay về phía mẹ:
- Đây là cô Hai Tuyết, con gái ông bà Huyện.
Hồi nào đến giờ chỉ nghe con nói, chớ chưa gặp mặt Tuyết bao giờ, nên thím Tám Thảnh ngoài sự bất ngờ về sự xuất hiện đột ngột của khách, thím còn sững sờ trước tấm nhan sắc của cô con gái quyền quý!
- Kìa má, khách tới nhà mà má không mời vô, còn đứng đó...
- Ờ, ờ... mời cô vô nhà. Mèng ơi, rồng mà tới nhà tôm, làm cho tui hết hồn!
Tuyết cười dịu dàng:
- Con tới xin cơm hai bác và anh Thông, chớ khách khứa gì.
Thông là người tinh ý, anh nhìn chiếc va-li thì hơi thắc mắc, phải đợi khi Tuyết nói câu đó anh mới hỏi khẽ:
- Em đi đâu mà đem đồ đạc nhiều vậy?
- Qua đây ở luôn!
Câu trả lời khiến Thông ngơ ngác:
- Em...em...
Tuyết tế nhị nói đủ cho Thông nghe:
- Lát vô nhà em sẽ nói sau.
Chú Tám nghe có khách thì cũng bước ra. Đã từng qua thăm nhà ông bà Huyện Hỉ, và đã từng gặp mặt Tuyết, nên chú ngạc nhiên quá đỗi khi thấy sự hiện diện của cô ở đây:
- Cô Hai... đi với ai?
Tuyết cúi chào và lễ phép đáp:
- Dạ, con đi một mình.
Vừa vào trong bỗng Tuyết vòng tay trước mặt chú thím Tám:
- Con xin phép hai bác, cho con được tá túc và cũng xin hai bác tác hợp cho chúng con.
Đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác nên chú thím Tám nhất thời chưa biết phản ứng ra sao. Trong lúc Thông thì lúng túng:
- Em... sao em... như vậy? Hay là...
- Em trốn khỏi nhà!
Câu trả lời của Tuyết làm cho mọi người như đang mơ! Thím Tám kêu lên:
- Chuyện này rắc rối lắm đây!
Chú Tám thì đăm chiêu. Lúc này chỉ có Thông là còn tỉnh táo, anh hỏi kỹ lại:
- Có chuyện gì bên nhà?
Tuyết không giấu giếm, đem chuyện nhà kể ra hết. Rồi cô tha thiết:
- Con hết đường tính rồi, nên mới làm liều thế này. Xin hai bác thương tình, cho con ở tạm ít bữa, rồi con với anh Thông sẽ tính.
Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, nên vợ chồng Tám Thảnh đành phải chấp nhận. Thím Tám bảo Thông:
- Con dọn phòng đã làm sẵn chờ ngày con cưới vợ cho cô Hai đây nghỉ. Con ra ngoài này ngủ ở bộ ngựa gõ.
Không ngờ Tuyết đã quỳ ngay xuống:
- Hôm nay con xin phép được kêu hai bác là ba má! Bởi dẫu gì thì con đã quyết là vợ anh Thông rồi, nếu bữa nay mà không đặt ba má con trước sự đã rồi thì không hy vọng gì sau này được sự đồng ý.
Quá bất ngờ nên đôi vợ chồng chân chất chỉ biết lặng thinh. Còn Thông thì chỉ biết nắm chặt tay Tuyết trong tay mình, lí nhí gì đó không ai nghe rõ...
Tuyết không đợi sự đồng ý của cha mẹ Thông, đã kéo tay Thông vô trong, rồi nói nhanh:
- Nếu ta không thành chồng vợ ngay bữa nay thì ba má em sẽ tìm và bắt em về, lúc đó có hối cũng không kịp!
Tội nghiệp Thông, vốn xưa nay chỉ biết nghe lời, có dám cãi ai đâu, nhất là với cô con gái rượu của ông Huyện Hỉ, người là chủ và là người ơn của mình. Bởi vậy, lời nào Tuyết nói ra anh chàng cũng chỉ biết gật đầu rồi làm theo...
Đêm đó lễ động phòng bất đắc dĩ của Thông và Tuyết đã khiến cho đôi vợ chồng già phải mất ngủ cả đêm. Đến gần sáng thì thím Tám bàn với chồng:
- Bề gì thì tui với ông cũng phải qua bên nhà ông bà Huyện để thưa cho rõ chuyện này. Con gái người ta là cành vàng lá ngọc, tuy nó quá thương con mình mà làm liều như vậy, nhưng dễ gì họ để yên...
Chú Tám cũng đồng ý:
- Tui với bà lấy cớ đi công chuyện, đừng cho tụi nó biết, rỗi đi luôn qua bên đó ngay sáng nay.
Mặt trời đã lên cao nhưng Thông và Tuyết vẫn chưa dậy, chú Tám Thảng sau khi hội ý với vợ, đã đứng ngoài nhà nói vọng vào:
- Ba má có chuyện đi qua bên Cồn, tới chiều mới về. Hai đứa ở nhà cứ ăn cơm trước, đừng đợi.
Họ xuống xuồng và bơi nhanh về hướng Phụng Hiệp. Trên đường đi, chú Tám cẩn thận bàn trước những cách đối đáp khi giáp mặt ông bà Huyện:
- Người ta là nhà quan, bởi vậy có nói chuyện thì bà cũng phải tính toán, đừng nói lung tung. Cứ những gì tui dặn hồi hôm mà nói.
- Tui lại sợ ông, khi được mời vài ly rượu thì ruột gan gì cũng móc ra phơi bày hết, không khéo lại hư bột hư đường!
Mãi bàn đủ thứ chuyện nên quãng đường mấy chục cây số không mấy chốc đã tới nơi. Từ xa nhìn cơ ngơi đồ sộ của nhà Huyện Hỉ, đôi vợ chồng già thấy tủi thân:
- Sui gia nhà người ta như vầy, còn mình thế kia, thiệt khó hết sức...
Nhưng khi xuồng tấp vô bến thì thím Tám ngạc nhiên hỏi chồng:
- Ông nghe in là tiếng trống, tiếng kèn... đám ma, đúng không?
- Chắc là ở gần đâu đây.
Nhưng lúc bước lên bờ thì chính chú Tám phải sững sờ khi nhìn cảnh nhộn nhịp đang diễn ra đúng ở nhà của ông Huyện! Bảy Nô là người từng đôi lần sang nhà chơi, nên vừa trông thấy vợ chồng Tám Thảnh đã ngạc nhiên kêu lên:
- Kìa, sao hai ông bà biết tin mà sang đây? Còn thầy ký Thông đâu?
Thím Tám linh tính nhạy hơn, đã hỏi ngay:
- Đám... của ai vậy?
Bảy Nô chép miệng:
- Thì của cô Hai Tuyết chớ ai!
- Hả? Cái... cái gì?
Ngỡ là họ quá xúc động, nên Bảy Nô lập lại:
- Cô hai nhà này mới mất hồi trưa hôm kia. Cô ấy đi xuồng với đứa tớ gái, khi qua sông lớn đã bị gió thổi lật xuồng. Cả hai đều không biết lội nên chìm luôn. Mới vớt xác được sáng qua.
- Ông ơi...
Thím Tám nắm chặt tay ông, miệng muốn nói mà chẳng làm sao thốt nên lời. Chú Tám bình tĩnh hơn, hỏi lại:
- Chắc là vậy không?
Bảy Nô cả quyết:
- Chính tui lặn mò được xác cô ấy mà. Tội nghiệp cũng chỉ vì...
Do đám tang có quá đông người, nên sự hiện diện của vợ chồng Tám Thảnh chẳng ai hay biết, ngoài Bảy Nô.
Khi thím Tám ngỏ ý muốn vô chào ông bà Huyện và nói lời chia buồn, cũng như muốn kể về chuyện lạ đang ở nhà mình, thì Bảy Nô đã ngăn lại:
- Theo tui thì anh chị không nên vô bây giờ. Họ đang giận thấy ký Thông lắm, bởi cũng chỉ vì cô Tuyết đi tìm thầy ký mà ra cớ sự.
Bảy Nô đem mọi chuyện kể lại, rồi kết luận:
- Chỉ bởi ông bà Huyện muốn ngăn không cho thầy ký và cô Hai Tuyết yêu thương nhau, nên mới nhận lời đám bá hộ Tòng, mà lòng dạ cô Hai Tuyết thì chỉ thương có thầy ký thôi.
Lòng bán tin bán nghi, nên cuối cùng chú Tám bàn với vợ:
- Mình quay ngay về nhà xem sao. Nếu đúng là con Tuyết còn bên đó thì mình trở qua cho họ hay, để họ mừng!
° ° °
Trở về tới nhà thì trời đã tối. Vợ chồng Tám Thảnh hấp tấp lên nhà và gọi ngay khi còn ngoài sân:
- Thông ơi!
Không nghe tiếng đáp, thím Tám cằn nhằn:
- Thằng này mới có hơi đàn bà đã sinh ra lười nhác rồi.
Thím đẩy cửa đi thẳng vào trong, vỗ vô vách ván, kêu lớn:
- Thông ơi, kêu Hai Tuyết ra má biểu coi.
Vẫn im phăng phắc. Chú Tám hơi ngạc nhiên:
- Tụi nó đi đâu giờ này?
Thấy trời sắp tối mà đèn đóm trong nhà chưa đốt, lại vắng tanh một cách không bình thường, khiến Thím Tám sinh nghi: Thím đẩy cửa phòng và gọi lần nữa:
- Thông ơi!
Lần này thím nghe có tiếng ú ớ... Thím giục chồng:
- Ông đốt cho tui cây đèn coi!
Ngọn đèn dầu được đốt lên, vừa lúc thím Tám kêu lớn:
- Thằng Thông! Sao vầy nè con?
Nhìn thấy Thông nằm trên giường, một tay ôm cứng cái va-li, còn tay kia thì đưa lên như cố vẫy vẫy...
- Chuyện gì vậy con?
Chú Tám nhào tới đỡ con dậy, thì phát hiện thân thể Thông lạnh ngắt, mắt nhắm nghiền, nhưng miệng thì nói lí nhí:
- Tu... y... ết...
- Không xong rồi ông ơi!
Thím Tám chạy đi lấy dầu xoa cho con, còn chú thì đốt bếp lửa than lên, hơ khắp thân thể cho Thông. Lát sau Thông tỉnh lại. Anh vẫn cố ôm chặt cái va-li, vừa khóc vừa nói:
- Con không để mất Tuyết đâu ba má ơi!
Hỏi sự tình thì Thông kể:
- Tối qua con với Tuyết ngủ với nhau bình thường cho đến quá nữa đêm... Sau đó tụi con mệt quá nên ngủ một giấc. Ba má đi hồi nào con cũng không
hay. Đến gần chiều con mới giật mình tỉnh dậy thì chẳng thấy Tuyết đâu. Con gọi và muốn bật dậy đi tìm, nhưng người mất hết sinh lực không làm sao đứng dậy được. Cuối cùng con sờ đụng vật này trên giường, ngay bên cạnh chỗ con nằm.
Thông mở va-li ra, bên trong không hề có quần áo gì, chỉ có duy nhất một miếng như miếng vải, rất lạ, mà khi Thông trải rộng nó ra trên giường thì cả chú thím Tám đều ồ lên, giật mình. Bởi đó là... một bộ da người!
- Hai... Tuyết!
Tuy chỉ là bộ da mỏng tanh, nhưng nguyện vẹn hình hài của Tuyết, sinh động như một người sống!
Thông vừa khóc vừa nói:
- Con hiểu ra rồi, khi Tuyết tới đây là cô ấy đã chết. Chẳng biết chuyện gì đã xảy ra cho cô ấy? Con phải sang bên nhà...
Thím Tám buông tiếng thở dài:
- Nó đã chết thật rồi!
Họ thuật lại cho Thông nghe mọi việc. Anh chàng gào lên:
- Trời ơi! Tôi đã giết cô ấy...
° ° °
Từ đó...
Một năm... Rồi hai năm sau...
Người ta thấy thầy ký Thông vẫn không lấy vợ, nhưng cuộc sống của anh chàng càng ngày càng vui vẻ, hạnh phúc, còn hơn những người lập gia đình sinh con đẻ cái.
Đúng như ý nguyện của cha mẹ, Thông lập một vựa gạo ở chợ và trực tiếp quản lý. Vợ chồng Tám Thảnh do già yếu nên không ra phụ giúp gì được cho con trai. Tuy nhiên nếu có ai để ý họ sẽ ngạc nhiên khi nhà cửa một người độc thân như Thông lại vô cùng ngăn nắp,chẳng khác gì có bàn tay đàn bà!
Đã có nhiều cô gái giới bình dân có, mà con nhà khá giả cũng nhiều, để ý thương Thông, nhưng trước sau gì Thông cũng nói thẳng với họ:
- Tôi đã có vợ con đang đợi ở quê nhà!
Và từ chối tất cả lời mời mọc.
Chẳng ai hiểu vì sao. Người ta chỉ đoán do quá thương Hai Tuyết, nên Thông thề không bao giờ lấy vợ. Tuy nhiên, có một bí mật mà người ngoài không thể biết được: Trong phòng riêng của Thông lúc nào chiếc va-li của Tuyết cũng được Thông đặt ngay bên cạnh gối của mình. Trong va-li dĩ nhiên là có bộ da người. Và chính bộ da người ấy là nguyên nhân của việc mãi mãi không lấy vợ của Thông. Bởi cứ đêm đến, hoặc những lúc Thông đi đâu về và khoá cửa ngoài, thì bộ da người đó không còn là vật vô tri giác nữa. Nó trở thành một Tuyết bằng xương bằng thịt!
Cuộc sống lạ thường đó kéo dài và cả hai vô cùng mãn nguyện với thực tại đó...