Tối nay, cả bản phải tắt lửa, trẻ con người lớn phải ở hết trong nhà. Lát nữa, thầy cúng sẽ đến để đuổi con ma ngón đi" anh Trang Xuân Hòa. trưởng bản Dền Thàng, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, lớn tiếng thông báo trong cuộc họp ban khẩn cấp. Tiếng ai đó xì xào: "Nhiều người chết quá rồi, chẳng biết đến bao giờ con ma ngón tìm đến nhà mình".
9 giờ tối, bản Dền Thàng đen đặc không một đốm lửa. Những căn nhà gỗ cheo leo bên sườn đồi đóng cửa kín mít. Nỗi sợ hài bao trùm đến nghẹt thở.
Có ánh đuốc le lói phía đầu bản, cạnh con suối lớn chảy qua. Thầy cúng già mặc áo dài màu đỏ, một tay cầm đuốc, một tay cầm dây xích và quả cân, miệng lầm rầm đọc thần chú bằng tiếng Dao. Ông ta đi khắp từ đầu bản đến cuối bản, tới cửa nhà nào cũng dừng lại rồi rung mạnh quả cân trên tay.
Tiếng súng kíp bất ngờ vang lên làm ai nấy co rúm người lại. Thầy cúng thét lên: "Đuổi con ma ngón đi!". Người ta chạy xô ra mở cửa rồi thi nhau ném dép, áo cũ, xoong nồi, bát đũa ra khỏi cửa. Tiếng trẻ con giật mình khóc thét trong màn đêm tối mịt.
Trưởng bản Hòa ngồi co ro trên ghế đẩu, vò đầu, bứt tóc giọng não nề: "cúng bái trừ ma cho yên tâm thế thôi. Đã làm đủ cách rồi nhưng có ăn thua gì đâu. Người lên rừng tìm ăn lá ngón không hề thuyên giảm. Đã từ lâu rồi, trong bản chẳng còn ai chú ý trồng ngô, nuôi lợn nữa, ai cũng lo sợ con ma ngón sẽ đến bắt người nhà mình đi".
"Từ năm 2004 đến nay, ở bản Dền Thàng đã có trên 100 trường hợp tự tử bằng lá ngón. 28 trường hợp đã tử nạn. Có lúc ở bản chỉ một tháng, con ma ngón bắt đi bốn mạng người".
Mặt trưởng bản Hòa thắt lại, những nếp nhăn như càng hằn sâu hơn trong ánh đèn dầu leo lét.
Theo anh Hòa khoảng 20 năm trước đây, lá ngón chỉ xuất hiện như một sự độc địa hãi hùng trong câu chuyện của người già ở bản. Cây ngón mọc sâu trong rừng già và hiếm khi có người nhìn thấy nó. Thế nhưng khoảng chục năm trở lại đây chẳng hiếu từ đâu, nó bất ngờ tấn công vào trong bản. Những dây lá ngón lan nhanh, bò leo lên bất cứ thứ gì nó gặp.
Có lần, anh Hòa thảng thốt khi trông thấy cây lá ngón mọc ngay tại vườn nhà mình. Anh sợ quá nhổ cây, băm nát rồi xúc vội có mảng đất dưới gốc cây đổ đi. Người già trong bản biết chuyện chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than: "Con ma ngón đã về bản rồi".
Cả một vạt rừng đất tốt, có con suối chảy qua giáp bản Pa Chà, lá ngón nghễu nghện mọc, tự do ra hoa. Những bông hoa vàng rực như màu nắng mới, đẹp một cách hoang dại.
Trước đây, khu đất ấy người dân bản trồng ngô, trồng sắn, nay trở thành "thánh đường hoang biệt của lá ngón.
Người "chán sống" cứ tìm lên đó, vặt vài ba cái lá cho vào miệng... rồi chết một cách tức tưởi và dễ đàng. Cứ thế, người ta rỉ tai nhau rằng: Đang có một con ma ngự trị trong khu rừng đó, chỉ đợi trời tối là nó mò vào bản, rủ rê người đi ăn lá độc". Chính vì niềm tin đó, trước khi hái một lá ngón trên cây đế kết thúc cuộc đời mình, người ta không quên đào gốc cây chôn xuống đấy một đồng tiền.
Họ lý giải: "Làm thế để trả công cây ngón ban cho mình cái lá... để chết, nếu không, khi làm ma rồi, mình vẫn phải trở về để chăm sóc, tưới nước cho cây".
Hoặc như ở xã Mã Quai, trước khi chôn cất người chết vì lá ngón, người ta không quên đóng bốn cái đinh vào hai ngón tay, hai ngón chân của xác chết. Họ tin làm như thế, con ma ngón sẽ phải ở mãi trong quan tài, không thể trở về quấy nhiễu, lôi kéo người sống nữa.
Nỗi sợ hãi ám ảnh như bóng đen bao trùm lên bản nhỏ vốn dĩ đã rất tối tăm. Người dân trong bản không bao giờ dám bén mảng vào khu rừng lá ngón. Lũ trẻ chăn trâu vô ý để trâu lạc vào rừng đó, chỉ biết ngồi khóc mà không dám vào tìm trâu.
Anh Hòa nói, giọng tìm buồn: "Có những cái chết bằng lá độc mà không ai hiểu được nguyên nhân. Có khi người ta buồn quá, tù túng quá mà trở nên dại dột. Có lẽ họ muốn đi tìm cho mình một cõi khác, có nhiều ánh sáng hơn".
Ánh sáng ở nơi nào chẳng thấy, chỉ biết rằng ở Dền Thàng người ta để phải dành hẳn ra một khu đất để em nghĩa địa cho người tử nạn vì lá ngón.
Theo lời cụ Vàng A Sìn, 93 tuổi, người cao tuổi nhất trong bản: Lá ngón có hai loại, nhìn bề ngoài chúng giống hệt nhau, người có kinh nghiệm mới phân biệt được. Loại lá có màu hơi xanh vàng, lá dài, hoa màu vàng cực độc, chỉ còn ăn nửa lá là chết ngay. Loại lá có màu xanh thẫm, ngắn và ráp hơn độc tính nhẹ, ăn không chết.
Cụ Sìn chậm rãi kể cho chúng tôi nghe một trường hợp ăn nhầm lá ngón hy hữu. Cô Phạm Thị Mai vốn là người Kinh, quê gốc Thái Bình, lấy chồng rồi theo chồng vào Dền Thàng dạy học đã mấy chục năm. Chồng cô theo người đàn bà khác. không chịu nổi uất ức, cô Mai cũng tìm vào rừng ăn lá ngón. Cả bản thở phào nhẹ nhõm khi cô Mai vì không phần biệt được nên ăn nhầm phải loại lá ngón có độc tính nhẹ nên thoát chết.
Thế nhưng, những trường hợp "nhầm lẫn" như cô Mai chỉ là hy hữu. Trẻ con trong bản vừa lò dò biết đi người lớn đã dạy cho chúng cách phân biệt đâu là lá độc, để không nhầm lẫn với nhiều thứ lá chua ăn được trên rừng. Theo nhiều người già trong bản, người chết bằng lá ngón đã bị con ma ngón nhập vào. Họ phải được chôn ở nghĩa địa riêng để con ma ngón không còn có thể trở về lôi kéo, hãm hại người sống nữa. Nghĩa địa dành cho họ bắt buộc phải cách khu nhà ở trong bản một con suối. Cự Sìn cho rằng: "Ma ngón vốn sợ nước, làm thế để nó không dám về hại người nữa.
Khu nghĩa địa "đặc biệt" của bản Dền Thàng tới nay đã có 28 ngôi mộ lớn nhỏ. Chỉ có dịp lễ Tết, người dân trong bản mới dám vào hương khói, còn lại dường như bỏ hoang vì họ ra sợ con ma ám vào mình. Cụ Sìn cho rằng: "con ma ngón mà ám vào ai, người đó tự nhiên thấy thèm ăn lá ngón. Họ như người điên, chẳng cần giận ai cũng tự tìm lên rừng kiếm lá ăn mà chết".
Theo "kinh nghiệm" của người dân địa phương người tự tử muốn chết nhanh hơn thường ăn lẫn lá ngón với muối trắng, giấm hoặc rượu. Nếu ăn lá ngón làn với những thứ này, họ sẽ chết ngay sau khoảng nửa tiếng, cào cấu, gào thét mà không có cách gì cứu chữa. Cái chết bằng lá ngón thường rất đau đớn và thương tâm. Ba tiếng sau khi chết, da nạn nhân đã thâm tím, miệng ngoác lớn, mắt trợn ngược. Sau hai ngày, bụng nạn nhân trương to, có thể nứt vỡ .
Cụ Sìn nheo mắt kể: "Xác của người chết bằng lá ngón bốc mùi kinh hãi lắm. Ngày xưa, có người ăn lá ngón chết trên rừng đến nửa tháng mà không con hổ, con báo nào dám đụng vào".
Anh Lò Văn Trượng, sinh năm 1985 ở ban Nậm Mạ Thái, xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cháu họ của cụ Sìn sống làm thợ xây ở bản Dền Thàng góp chuyện: "ở bản Nậm Mạ Thái, ngoài hai giống lá xanh vàng và xanh thẫm còn một loại lá ngón nữa. Loại lá này cũng hình trái tim nhưng to bản hơn rất nhiều. Chúng tôi gọi loại lá này là "ngón gà".
"Lá ngón gà độc nhất vào mùa ra hoa. Người nào ăn phải một trong ba lá ngón có thể chết ngay lập tức. Thế nhưng khi hoa tàn, lá ngón có thể làm rau ăn được. Nhiều người rất thích vị đắng đến tê miệng của thứ lá này" Trượng tiếp lời.
Chính vì nhầm lẫn, ông Lò Văn Chiến, bố của Trượng, cũng có lần được "nếm thử" chất kịch độc này. Một lần đi làm nương, ông Chiến vào bụi cây tìm lá chua ăn cho đỡ khát nước. Vừa cho lá vào miệng, ông Chiến hốt hoảng nhả ngay ra vì vị đắng gắt xốc thẳng lên não. Liền đó, hàm ông tê cứng lại, ông ú ớ chạy xuống suối vục nước súc miệng. Sau gần một ngày, ông mới trở lại bình thường".
Những người đã từng suýt chết vì "con ma lá ngón" đều không thể quên khả năng giết người của nó. Lá ngón giết người dễ dàng và nhanh đến nỗi người ta tưởng nó là một thứ bệnh dịch khủng khiếp.
Theo hướng tay anh Hòa, chúng tôi tìm đến nhà anh Lý A Pìu, 34 tuổi. Anh Píu gầy gò, chân tay mốc thếch, ngô nghê kể cho chúng tôi nghe lên thoát chết của con anh, Lý A Pao, sinh năm 1991.
"Chỉ vì tao hay uống rượu, vợ tao không thích nên thường cãi nhau. Thằng Pao chẳng hiểu học ai, thấy bố mẹ cãi nhau cũng tức mình lên rừng tìm lá ngón ăn", anh Pìu gãi đầu nói. Pao ăn nửa lá ngón, hàm đã cứng lại, bụng cồn cào, ruột như muốn đứt ra từng đoạn. Lũ trẻ chăn trâu trông thấy thế hoảng hốt chạy về bản gọi người lớn. Anh Píu chạy ra rừng. thấy con nằm bệt dưới đất mắt trợn lên, người co giật.Anh tức tốc bị Pao chạy về nhà, rút phăng con dao mác trên cột nhà, đâm chết ngay một con chó trước cửa. Anh mổ bụng chó, lấy phân tươi hòa với tiết rồi gang miệng con ra cứ thế đổ vào. Pao nôn mửa rồi nằm rũ héo như tàu lá chuối.
Sau một ngày nằm mê man, Pao tỉnh lại đòi uống nước, ăn cơm. Anh Píu kế, giọng chưa hết hãi hùng: "Lúc đó tao mà cho ăn cơm là nó chết ngay lạp tức, tao chỉ cho nó uống nước trắng thôi, cứ uống vào rồi nôn ra. qua được ba ngày thì khỏi". Pao may mắn thoát chết trong gang tấc. Khi chúng tôi hỏi cảm giác của cậu bé khi ăn lá ngón. Pao ngây ngô trả lời: "Lúc đó chỉ muốn chết nên không biết sợ đâu. Giờ sợ rồi, có thế nào cũng chẳng dám ăn nữa đau đớn lắm".
Vậy mà số vụ tự sát bằng lá ngón vẫn không ngừng xảy ra.
Ông Lý A Pình, phó chú tịch xã Nậm Xe nói: "Lá ngón chẳng biết từ bao giờ đỡ trở thành một thứ "vũ khí" của nhiều phụ nữ trong bản. Khi cãi nhau với chồng hoặc bị chồng phụ bạc, họ tìm đến lá ngón và coi cái chết là lối thoát duy nhất của mình".
Theo lời ông Pình không có con ma ngón nào hiện hữu cả, cây lá ngón chỉ đơn giản là một loài cây độc trên rừng như rất nhiều loài cây độc khác. Muốn diệt trừ con ma ngón phải diệt trừ con ma trong ý thức của người dân. Phải tuyên truyền cho họ hiểu rằng có nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn tốt hơn là tìm đến cái chết bằng lá ngón. Có như thế con ma ngón mới có thể bị tiêu trừ tận gốc".