“Chuyện tiền nong với ai cũng phải sòng phẳng, nhất là với… mẹ chồng. Tuy nhiên, phải biết lựa cách mà ăn nói cho khéo, kẻo mất lòng các cụ”, chị Huệ, một bà nội trợ khẳng định.
“Mỗi tháng đưa bao nhiêu tiền thì đủ?”
Ở với bố mẹ chồng, mỗi tháng chị Huệ băn khoăn không biết nên đưa cho mẹ chồng bao nhiêu tiền thì đủ. Vợ chồng chị là công chức nhà nước, lương cả hai tổng cộng mới chỉ 10 triệu, lại phải lo tiền học, tiền sữa cho đứa con nhỏ, nên mỗi tháng chị đều đưa phụ ông bà 2 triệu. “Hai năm nay vợ chồng mình đều thế, vì cũng chỉ ăn mỗi bữa tối với bố mẹ chồng, buổi trưa đã ăn tại cơ quan. Đưa thế cụ chi tiêu thế nào cho tiện, cũng chưa thấy mẹ chồng phàn nàn điều gì bao giờ”.
Thế nhưng mới chỉ hai tháng nay, mẹ chồng chị Huệ tỏ ra cáu bẳn, không vui mỗi khi đi chợ về. Cụ thường hay than vãn trong bữa cơm tối: “Đấy, giá cả ngày càng đắt đỏ. Thực phẩm cứ tăng giá vù vù, mà tiền đi chợ thì chỉ tiêu có chừng ấy. Hơn trăm nghìn mà chỉ được có từng này đồ ăn, chẳng nhẽ lại tiêu lạm vào tiền tiết kiệm”.
109./img109/2086/1298996816ti.img109./img109/2086/1298996816ti
Thấy bé Na không chịu ăn, thường hay bỏ thừa cơm, thức ăn, mẹ chồng chị tức tối: “Nó được cưng chiều quá đấy, phải dạy nó biết sống tiết kiệm chứ. Phí tiền mua thực phẩm về, hì hụi làm cơm để nó ăn bỏ dở hay sao”.
Nghe mẹ chồng nói thế, chị Huệ nín thinh. Tối về, lên phòng ngủ, chị giở sổ cân đối lại các khoản tiền. “Mình muốn đưa thêm ít tiền cho mẹ chồng, vì bão giá thế này, mình phụ 2 triệu cũng chả đáng là bao. Thế nhưng tiền lương công chức của hai vợ chồng tính ra chẳng đủ. Tiền học cho Na, tiền mua sữa… đã chiếm đến 2/3 số tiền còn lại của hai vợ chồng mình”, chị than than thở.
Cũng sống chung với bố mẹ chồng, chị Hạnh phân vân: “Lương cả hai vợ chồng cộng lại được 15 triệu, nếu góp cho bố mẹ 70% lương thì… còn gì để tiêu. Nhưng nếu đưa ít, thì cũng chả bõ bèn gì”.
Mỗi tháng, chị đưa cho mẹ chồng 5 triệu, vừa tiền ăn tối, tiền điện nước, tiền cụ nấu bột cho bé con ăn, tiền ông bà trông giữ cháu. Nhưng cái khó nhất với chị đấy là việc chị cần phụ thêm một khoản cho cậu em ăn học. “Nếu thế thì hai vợ chồng không dành dụm được bao nhiêu để ra ở riêng, mà tằn tiện, tiết kiệm chút thì cũng không được”.
Từ ngày bão giá leo thang, mẹ anh Hưng nói với con trai hai cụ sẽ giữ lương của anh để chi tiêu mọi việc cho hai vợ chồng. Chị Hạnh, con dâu cụ tỏ ý không vui. “Đáng ra chồng mình thì lương của hai đứa phải góp chung, mình sẽ phân ra các khoản, nhưng ý cụ sợ mình đưa cho hai cụ thì ít, mà tích góp cho bản thân thì nhiều nên mới phải làm thế”, chị Hạnh bực bội nói.
Cũng vì chuyện góp bao nhiêu tiền ăn một tháng mà vợ chồng chị Thương giận nhau. Vợ chồng chị ăn bữa tối, cộng với tiền điện, điện thoại, mỗi tháng chị đưa mẹ 2,5 triệu. Nhưng chồng chị cứ nhất định bắt vợ đưa thêm, thành ra hai vợ chồng đã chiến tranh lạnh hơn 1 tuần. “Lương của hai đứa không cao, đưa thêm thì khó. Hơn nữa mình nghĩ gia đình mình sống ở ngoại thành, thực phẩm rẻ hơn ở nội thành nhiều nên đưa thế là hợp lý. Còn có chút tích góp riêng, nhưng chồng mình chẳng chịu hiểu”, chị Thương buồn rầu nói.
“Sứt mẻ” vì con dâu hoang phí
Hồi Hương và Hải chưa lấy nhau, bà Nga rất quý cô con dâu tương lai vì “tính nó thoáng, biết quan tâm đến mọi người”. Nhưng sau đám cưới, bà đã bị sốc cũng vì tính thoáng của Hương. Một buổi về quê lên, bà thấy đồ đạc trong nhà đã bị thay đổi, từ khăn trải bàn, bát đũa đến nồi niêu xoong chảo đều mới tinh. Biết con dâu muốn dùng đồ mới, bà bảo thôi đồ cũ thì để cho người ở quê cho đỡ phí. Nhưng Hương bảo: “Con vứt hết rồi, mấy thứ ấy cũ quá, mẹ cho người ta lại bảo mình quẳng đồ thừa cho họ”. Bà thở dài, không nói gì nhưng đến vài hôm sau cũng không đon đả với con dâu như trước.
Hằng tháng, vợ chồng Hương đưa cho mẹ một số tiền, ngầm coi là đóng tiền ăn uống sinh hoạt. Quen nếp tiết kiệm, bà Nga mua rất ít đồ ăn, hầu như chỉ có thịt lợn rang, đậu phụ, hoặc cá nục, trứng rán... Hương nuốt không nổi nhưng không dám góp ý. Cô chỉ chờ đến thứ bảy, chủ nhật để giành đi chợ. Nhiều hôm đi làm về, ngán ngẩm nghĩ đến mâm cơm, Hương “liều” mua thêm ít đồ ăn sẵn mang về. Mẹ chồng cô thấy thế bảo: “Con thích ăn gì mẹ nấu cho, mua đồ này làm gì cho tốn kém”. Đến lần thứ ba, thứ tư thì bà Nga chả muốn bóng gió nữa, mà tỏ thái độ không thèm đụng đến.
Bất hòa xảy ra vì con dâu tiêu hoang
Chuyện xung khắc chỉ vì mẹ chồng tiết kiệm, con dâu rộng rãi đang rất phổ biến. Gia đình bà Nguyệt cũng gặp cảnh tương tự. Nhìn con dâu nay mốt này mai mốt khác, có lúc chi cả triệu đồng để mua quần áo cho mấy bố con, vài tháng lại rủ cả nhà đi chơi xa cho thư giãn đầu óc, bà xót lắm. “Đàn bà mà không biết tích cóp thì chỉ khổ chồng khổ con. Số tiền ấy, nó mà gửi tiết kiệm thì cũng được khoản kha khá rồi”, bà than thở.
Cũng bất hòa về chi tiêu nhưng theo hướng ngược lại, ở gia đình bà Hoa, cô con dâu luôn bị mẹ chồng chê là “chặt chẽ”. “Con dâu tôi nó không biết cách sống cho sung sướng, cứ lo lắng tính toán cho già cả người. Tiền làm ra là để phục vụ mình, phải thoải mái một chút”, bà Hoa than thở. Trong khi đó, chị Thủy chán nản vì muốn để chút tiền phòng khi con ốm hay có bất trắc cũng khó, và viễn cảnh 6 người chen chúc trong căn hộ tập thể hơn 30 m2 sẽ còn kéo dài.
Bão giá leo thang khiến việc chi tiêu trong gia đình càng thêm khó, mối bất hòa cũng vì lí do này mà xảy ra. Cân đối giữa kinh tế và tình cảm luôn là việc khiến nhiều gia đình đau đầu tìm cách giải quyết.