Bệnh: Cổ tử cung cái mẩu bé tẹo rắc rối -(37)
đặt thuốc. Giải thích với chồng, chàng gật gù ra vẻ thấu hiểu lắm rồi bỗng nhỏm dậy: Cái mẩu bé tẹo ấy không cần thì cắt phéng nó đi, vạ gì mà giữ nó lại để mắc hết bệnh nọ tật kia như thế?
Cổ tử cung cái mẩu bé tẹo rắc rối
TP - Bác sĩ nói mình bị viêm cổ tử cung, nhẹ thôi nhưng cũng phải điều trị theo đơn và kiêng khem khi đặt thuốc. Giải thích với chồng, chàng gật gù ra vẻ thấu hiểu lắm rồi bỗng nhỏm dậy: Cái mẩu bé tẹo ấy không cần thì cắt phéng nó đi, vạ gì mà giữ nó lại để mắc hết bệnh nọ tật kia như thế?
Đừng coi thường vì nó bé!
Mình cười chảy cả nước mắt trước sự ngây ngô của anh xã. Chàng chỉ được cái hồ đồ, cắt là cắt thế nào!
Cái mẩu tí tẹo ấy là là van đóng - mở, cửa ngõ thông thương giữa tử cung với bên ngoài, chỉ mở trong những ngày đèn đỏ và khi chuyển dạ sinh em bé. Bình thường, mẩu bé tẹo này đóng kín, không cho tác nhân lạ xâm nhập vào trong gây viêm nhiễm tử cung, đặc biệt là bảo vệ sự an toàn của em bé trong suốt thời gian mẹ mang thai.
Không chỉ thế, cái mẩu bé xíu ấy còn là nơi tiếp giáp với đầu của chú nhỏ khi ân ái, sự mềm mại khi tiếp xúc góp phần quan trọng tạo nên hưng phấn, vì thế mà trong trường hợp thực hiện phẫu thuật cắt tử cung, các bác sĩ thường cố gắng giữ lại cái mẩu bé nhỏ này để duy trì hưng phấn của lứa đôi được trọn vẹn.
Những rắc rối nho nhỏ
Một số chị em sau kỳ khám sức khỏe đều lo lắng vì được chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung. Bệnh này thường gặp ở phụ nữ ở độ tuổi hoạt động tình dục do độ pH ở vùng cổ tử cung luôn bị thay đổi.
Tình trạng cường estrogen gây tác động mạnh lên tế bào biểu mô tuyến trong tử cung, khi gặp các loại vi trùng ở âm đạo bám riết sẽ tạo nên phản ứng viêm đỏ. Triệu chứng nhận biết được là dịch âm đạo ra nhiều, có mùi hôi, đôi khi có một chút máu.
Cùng một chẩn đoán nhưng có người được chỉ định đặt thuốc, người kia thì đốt nhiệt; chị này đốt lạnh, em nọ đốt laser… Bác sĩ giải thích là phương pháp điều trị phải căn cứ vào mức độ tổn thương. Vài chị lười đi điều trị hoặc điều trị không đến nơi đến chốn đã bị biến chứng hẹp, viêm xơ, rách… cổ tử cung. Đến lúc ấy mới cuống lên thì đã nặng rồi, mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc mà cũng có khỏi cho đâu.
*Cô em chồng thì có nang Naboth. Bác sĩ bảo, nang Naboth có hình dạng giống quả bóng bay nhỏ xíu, do chất dịch ở chỗ nối cổ tử cung với thân tử cung bị ứ lại, phình to ra tạo thành. Thường thì nang Naboth không gây hại và không có biểu hiện triệu chứng gì, chỉ phát hiện được khi siêu âm. Nó có thể tự mất đi, ít khi phát triển to lên, mà nếu có to quá thì bác sĩ sẽ chọc cho dịch thoát ra ngoài, tránh viêm nhiễm do nang tự vỡ.
À ra thế, thì ra nang Naboth xuất hiện cũng là một “biến cố” nho nhỏ ở cổ tử cung
*Cô bạn mình bỗng nhiên bị ra chút máu sau khi “ấy ấy”, đang chẳng hiểu thế nào thì anh xã hồn nhiên: “Vợ mình hai con rồi mà vẫn còn trinh!” làm cô ấy vừa tức vừa buồn cười.
Cứ tưởng chỉ một lần, lần sau lại thế trong khi không có cảm giác đau đớn gì. Tức tốc ghé thăm bác sĩ thì biết là polype cổ tử cung. Đó là những u màu hồng nhạt, do các tế bào tuyến tăng sinh ở ống lỗ cổ tử cung tạo ra và thò ra lỗ ngoài cổ tử cung. Hầu hết các polyp cổ tử cung không thể hiện triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ qua khám phụ khoa định kỳ hoặc thấy ra máu như bạn mình thôi. Điều trị đơn giản cực kỳ, bác sĩ vặt ngoéo đi là xong. Thủ thuật này không đau, tương đối nhẹ nhàng.
Còn đây là rắc rối lớn
Chị H. là trưởng phòng cũ của mình. Lâu không gặp chị ấy, bỗng nhìn thấy chị từ phòng khám của bệnh viện K đi ra. Chị bị ung thư cổ tử cung, mới phát hiện được hơn nửa năm. Chị đến đây để kiểm tra lại sau thời gian điều trị.
Hỏi sao chị phát hiện ra bệnh, chị bảo chỉ thấy kinh nguyệt kéo dài và ra nhiều hơn bình thường là chị đi khám ngay, may mắn là được phát hiện sớm. Những chị em cũng được chẩn đoán giống chị mỗi người có dấu hiệu chỉ điểm mỗi khác. Nào là chảy máu sau khi giao hợp, nào là chảy máu ngoài kỳ kinh, chảy máu sau khi làm việc nặng, nào là khí hư ra có lẫn máu… Những người được phát hiện ở giai đoạn muộn thì thường có các dấu hiệu đau lưng, đau hông, đau lan xuống đùi, bí tiểu tiện. Mà đã muộn thì khó đủ mọi đường!
Tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có dịch vụ tiêm phòng vắc xin HPV cho chị em từ 19-26 tuổi gồm vắc xin có nguồn gốc từ Bỉ (trên 700.000 đồng một lần tiêm) và vắc xin có nguồn gốc từ Mỹ (trên 1.000.000 đồng một lần tiêm).
Ngoài ra, để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, từ 30 tuổi trở lên, nên thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung mỗi năm một lần. Trường hợp bất thường sẽ được chỉ định soi và sinh thiết cổ tử cung.
Tác nhân chính của ung thư cổ tử cung là vi rút có tên Human Papillum Virus, ngoài ra sau một thời gian dài điều trị và tìm hiểu về bệnh, chị H bảo, sinh hoạt tình dục trước 20 tuổi càng sớm thì nguy cơ ung thư càng lớn. Rồi thì những người mang thai ở tuổi vị thành niên; đẻ nhiều, đẻ dày; nhiều bạn tình; bị viêm nhiễm cổ tử cung và tái phát nhiều lần hay những chị em bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại đều là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Chị cứ nói đi nói lại về cái chuyện phát hiện bệnh sớm, có lẽ đó là lý do khiến chị vẫn giữ được vẻ tươi trẻ trước bệnh tật.
Tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung
Mình thấy thông tin này thực sự hữu ích và đã tìm hiểu thêm thì được biết rõ hơn. Mỗi liều vắc xin HPV tiêm 3 lần, mỗi lần 1 mũi tiêm, lần tiêm thứ hai cách lần thứ nhất 2 tháng, lần thứ ba cách lần thứ hai 4 tháng. Chị em có thể tham khảo thông tin về tiêm phòng HPV tại trung tâm y tế dự phòng các huyện/quận hoặc tỉnh/thành phố.
Đáng sợ nhưng không phải là không thể phòng tránh
Để cái mẩu bé tẹo không gặp phải những rắc rối từ nho nhỏ đến lơn lớn, chỉ cần thực hiện giữ gìn vệ sinh vùng kín đúng cách; không quan hệ tình dục trước tuổi 20; chung thủy một bạn tình; chỉ sinh từ 1-2 con và khoảng cách giữa hai con ít nhất là 5 năm; khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, tránh tiếp xúc với các yếu tố độc hại…
Lửa ấm
(phunu)