hì hụi làm và thay đổi mỗi hôm một món. Cháu Hến bị rôm sảy, mẹ đã thử nghiệm không ít loại lá, quả tắm: chanh, chè tươi, mướp đắng, kinh giới, sài đất….
Biết tin một cơ quan Nhà nước đang tuyển dụng người – nơi mà con ao ước được làm việc từ ngày con còn học đại học, mẹ Thục đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ con: Trông cháu để con đi học thêm ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên môn. Việc nhà mẹ cũng “giành” để con có thêm thời gian ôn luyện và nghỉ ngơi. Vậy mà trớ trêu thay, con lại không đỗ. Con buồn, khóc lóc, ủ rũ suốt ngày. Những lúc đó, mẹ Thục là người động viên, an ủi con nhiều nhất.
Con vẫn nhớ dạo nhà mình nuôi một bé giúp việc tên là Na. Cả nhà ai cũng quý con bé vì ngoan ngoãn, hay lam hay làm. Vậy mà Na ở với gia đình mình được hơn một năm thì con phát hiện thỉnh thoảng lại bị mất tiền. Con không bao giờ dám nghi ngờ cho bé Na mà chỉ nghĩ mình đánh rơi hoặc tiêu rồi nhưng không nhớ. Nhưng một lần con bắt quả tang con bé đang mở tủ, lục ví của con, con đã báo ngay cho mẹ Thục. Và ngay sáng hôm sau, mẹ Thục đuổi con bé về quê. Những ngày sau đó, mẹ chỉ thở dài vì niềm tin bị sụp đổ. Tuần sau, phần vì nhớ bé Na, phần vì muốn biết lý do “ăn cắp tiền” của con bé, mẹ viết thư cho Na. Trời ơi! Chỉ vì mẹ nó ốm quá, nhà lại nghèo, tiền ăn chẳng đủ, nói gì đến tiền thuốc thang. Mẹ Thục vội gọi con bé lên làm và gửi chút tiền về cho mẹ của Na. Sau lần đó, mẹ Thục thường dặn con và nhà con là nên “phòng hơn là chữa” – tiền bạc, tư trang nên cất cẩn thận, nhiều khi bản chất con người là tốt, nhưng cái nghèo, cái hèn, cộng thêm chút mềm lòng là dễ bị tiền bạc làm lóa mắt.
Mẹ ơi! Tấm lòng của mẹ, lời dạy của mẹ, sự chăm chút của mẹ, sự rộng lượng, nhân hậu của mẹ là quà tặng vô giá mà mẹ đã dành cho con. Con cảm ơn Ông Trời đã cho con được gặp mẹ, được làm con dâu của mẹ!